Bắc bộ nóng hầm hập, Nam bộ vào mùa mưa
Các tỉnh, thành ở miền Bắc và miền Trung đang gánh chịu đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Trong khi đó, các tỉnh, thành ở miền Nam đón mưa đầu mùa.
Nên hạn chế đi ra nắng
Nắng nóng khủng khiếp với nền nhiệt phổ biến 38-400C, thậm chí một số nơi lên đến 42-430C, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), khoảng 1 tuần trở lại đây, số trẻ nhỏ được người lớn đưa tới khám, điều trị tăng khá nhiều. Trước đợt nắng nóng này, bệnh viện tiếp nhận 2.000-2.500 bệnh nhi/ngày thì vài ngày qua có hơn 3.000 bệnh nhi/ngày, chủ yếu bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, viêm não, da liễu.
Một số bệnh viện khác tại Hà Nội như Bạch Mai, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, lượng người lớn, nhất là người cao tuổi, tới khám bệnh cũng tăng cao với các biểu hiện như sốt, viêm phế quản, rối loạn tiền đình, cao huyết áp, tai biến mạch máu não do thời tiết nóng bức gây ra.
Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nắng nóng gay gắt không chỉ khiến trẻ nhỏ hay mắc các bệnh về đường hô hấp mà còn dễ bị say nắng, có thể bị tăng nhịp tim, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Cha mẹ, thầy cô cần chú ý, khi trẻ có các triệu chứng: da lạnh, nhợt nhạt, ra mồ hôi, hoa mắt, ngất, yếu mệt... cần sơ cứu ngay bằng cách đặt trẻ nằm ở nơi mát mẻ, thoáng khí; cho trẻ uống 2-3 ly nước lạnh (15 phút/lần) đến khi trẻ thấy tỉnh táo hơn và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi; không nên cho trẻ vận động ở cường độ cao và liên tục quá 2 giờ dưới ánh nắng.
PGS-TS Trần Minh Điển cũng đề nghị mọi người nên uống nhiều nước, bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol do mất nhiều mồ hôi. Giữ nhà thông thoáng, mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà, giúp điều hòa không khí tự nhiên.
Bộ Y tế cũng vừa ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động. Trong đó, người dân lưu ý hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhất là trong thời gian 10-16 giờ; cần uống 1,5-2 lít nước/ngày và uống thành nhiều lần trong ngày. Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc ngoài trời thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát 15-20 phút.
Ngày 21-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi giám đốc các bệnh viện trong cả nước về phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện. Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đột quỵ để sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh. Đồng thời, huy động các nguồn kinh phí mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện; bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà bệnh nhân tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ.
Tiếp tục mưa to từ ngày 23-5
Tại địa bàn TPHCM, ngày 21-5 đã có mưa to diện rộng (đạt khoảng 80%). Mưa lớn kèm theo gió mạnh trong gần 2 giờ, khiến một số tuyến đường ngoại thành bị ngập. Nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp như Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu… bị ngập sâu hơn 40cm đã làm nhiều xe máy “bơi” khi đi qua đây, thậm chí có nhiều xe chết máy nằm giữa dòng nước. Những nhà dân mặt tiền đường đã dùng tấm ván hay bao cát để ngăn nước, do mỗi khi ô tô đi ngang qua đã tạo sóng khiến nước tràn vào nhà.
Cách đó không xa, đường Thành Mỹ (quận Tân Bình) cũng ngập sâu, nước rút chậm. Bên cạnh đó, trên đường Phan Văn Hớn (quận 12), đường Quách Điêu (huyện Bình Chánh) và một số tuyến đường ở quận Tân Phú, mưa lớn làm cho nước đen từ cống tràn ngược lên kèm theo mùi hôi thối.
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam bộ, ngày 21-5 mây thay đổi, nắng gián đoạn, từ trưa có rải rác mưa vừa, mưa to tại TPHCM; lượng mưa đo được tại trạm Hóc Môn 86mm, Củ Chi 22mm, Nhà Bè 40mm, Phạm Văn Cội 23mm, Cát Lái 13mm… Mưa cũng xảy ra trên diện rộng ở nhiều tỉnh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bến Tre, Cà Mau. Dự báo, từ 2-7 ngày tới, khu vực Nam bộ chiều đến tối và đêm có mưa rào và rải rác có dông, có nơi mưa vừa, mưa to. Từ khoảng ngày 25-5 trở đi, mưa vừa, mưa to có xu hướng gia tăng, khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, TPHCM và khu vực Nam bộ đã bắt đầu vào mùa mưa; riêng một số nơi như Đồng Nai đã vào mùa mưa cách đây 5-6 ngày. Dự báo, Nam bộ bắt đầu có mưa to hơn từ ngày 23-5 do có một áp thấp hoạt động, kích hoạt gió mùa Tây Nam mạnh lên.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, tính đến thời điểm nửa cuối tháng 5, tổng dung tích các hồ thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng ở miền Bắc chỉ đạt 30%-50% so với dung tích thiết kế; riêng hồ Hòa Bình đạt 89% do được cấp nước từ hồ Sơn La. Tổng dung tích các hồ thấp hơn năm 2022 khoảng 4,5 tỷ m3. Các hồ tại miền Trung và Tây Nguyên cũng trong tình cảnh tương tự.
Các chuyên gia khí tượng cho biết, thời tiết khắc nghiệt đã và đang hiển hiện rõ rệt với 10 đợt nắng nóng diện rộng từ tháng 3 đến nay. Cùng với hiện tượng nền nhiệt nóng lên thì lượng mưa đã sụt giảm rõ rệt ở nhiều khu vực. Dự báo tình hình thời tiết từ nay đến cuối năm 2023 sẽ còn khắc nghiệt và cực đoan hơn khi trạng thái thời tiết chuyển hẳn sang El Nino.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bac-bo-nong-ham-hap-nam-bo-vao-mua-mua-post690622.html