Bắc Bộ sẽ là khu vực có giá điện cao nhất trong 5 năm tới
Từ hàng chục năm nay, các nhà máy điện ở miền Bắc sản xuất điện, truyền tải qua hệ thống đường dây 500 KV vào cho miền Nam. Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, Bắc Bộ sẽ là khu vực có giá điện cao nhất so với các vùng khác và khả năng phải chuyển điện từ miền Nam ra Bắc.
Theo Chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng công suất nguồn điện sẽ tăng thêm khoảng gần 80.000 MW so với năm 2020, trong đó các nguồn điện lớn như các nhà máy nhiệt điện than, khí và LNG dự kiến sẽ tăng thêm khoảng trên 30.000 MW; các nhà máy điện gió trên bờ (onshore), ngoài khơi (offshore) và điện mặt trời dự kiến tăng thêm khoảng gần 30.000 MW.
Những năm trước mốc thời gian 2020 thì tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) vốn chiếm chưa đầy 15% nhưng đến thời điểm hiện tại, tình thế ngày càng thay đổi, nhất là các cuộc đầu tư ồ ạt vào NLTT ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ do chính sách ưu đãi phát triển NLTT của Chính phủ.
Phần lớn các nguồn điện này đều tập trung nằm xa trung tâm phụ tải. Vì vậy, công tác phát triển lưới truyền tải để giải tỏa công suất các nguồn điện này đặt ra nhiều vấn đề về hướng truyền tải điện sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
“Thay vì truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam như những năm qua, chiều truyền tải có xu hướng thay đổi dần theo chiều ngược lại”. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết như vậy tại Hội thảo về Tổng quy hoạch điện VIII lần thứ 2 vào ngày 28-9, trước khi Bộ Công Thương trình Thủ tướng vào cuối tháng 10 tới.
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong bản dự báo đánh giá về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, khi xét đến vốn đầu tư và hiệu quả kinh tế có đưa ra khuyến cáo rằng: “ Từ 2025, Bắc Bộ sẽ luôn là khu vực có giá điện cao nhất so với các vùng khác. Nếu nhà đầu tư nguồn điện, nên xem xét ưu tiên đầu tư ở khu vực Bắc Bộ. Nếu là hộ tiêu thụ điện nên xem xét ưu tiên xây dựng ở khu vực miền Trung và Nam”.
Về lý thuyết, hệ thống truyền tải điện sẽ phải được đầu tư trước một bước để các dự án điện có hạ tầng kết nối và đầu tư theo. Nhưng ở Việt Nam thì tình trạng này lại diễn ra theo hướng ngược lại.
Các cơ quan của Bộ Công Thương đã phân hệ thống điện cả nước làm 6 vùng để tính toán cơ cầu nguồn từng vùng và quy mô truyền tải liên kết. Quy mô nguồn điện bao gồm các nguồn điện hiện trạng và đã được đăng ký khoảng 2.200 dự án, tương đương 220 GW.
Tuy nhiện, trên thực tế, nhiều vùng, tiểu vùng có quy mô nguồn đăng ký lớn hơn rất nhiều so với phụ tải của những nơi đó đã được lên kế hoạch. Các nguồn điện đăng ký tập trung quá nhiều tại miền Trung, miền Nam. Đến 2020, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đăng ký dư khoảng 80 GW, Tây Nguyên dư 18 GW. Nếu tất cả các nguồn đăng ký thêm được phê duyệt (162,5 GW) thì tổng công suất nguồn toàn quốc năm 2030 sẽ dư khoảng 137 GW (dư 162%).
Bộ Công Thương khẳng định, đến 2030, sẽ chỉ có một phần nguồn điện đăng ký được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch. Lượng công suất để lại sẽ vào giai đoạn 2031-2045.
Điều đáng nói là tương quan công suất nguồn điện, phụ tải theo 6 vùng sẽ bị ảnh hưởng theo tiến độ và quy hoạch đầu tư nói trên. Theo đó, sẽ có sự mất cân bằng lớn về cung cầu điện theo vùng địa lý khi mà nguồn cung rất lớn về NLTT lại tập trung vào Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Đến 2025, miền Bắc có xu hướng bị thiếu nguồn, cần nhận điện từ vùng lân cận như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Còn đến 2045, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ là 2 khu vực nguồn lớn của cả nước, cần truyền tải đi xa tới các vùng khác.
Trước thực trạng đầu tư và dự báo về hệ thống truyền tải đầy khó khăn vì hiện tại hệ thống truyền tải hoàn toàn do nhà nước đầu tư, Viện Năng lượng lo lắng rằng việc đầu tư lưới truyền tải 500-200kV giai đoạn 2021-2030 sẽ là thách thức rất lớn đối với ngành điện do khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cap gấp hai lần năng lực hiện tại. Định hướng đầu tư những năm đó chủ yếu để truyền tải nguồn NLTT.
Lan Nhi