Bác cả kháng nghị lẫn kháng cáo vụ bác sĩ Chiêm Quốc Thái
Tòa án cấp phúc thẩm không hủy án sơ thẩm theo đề nghị của VKS và cũng bác kháng cáo của bác sĩ Chiêm Quốc Thái.
Sáng 22-6, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị vợ cũ thuê giang hồ “xử” giữa trung tâm quận 1.
HĐXX bác kháng cáo của các bị cáo, bị hại, chấp nhận một phần kháng nghị và tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Vũ Thụy Hồng Ngọc (sinh năm 1978, vợ cũ ông Thái) 18 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Bị cáo Ngọc đã chấp hành xong hình phạt nên HĐXX quyết định hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo Ngọc.
HĐXX chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Phan Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 1981, giám đốc công ty vệ sĩ S.T., trụ sở quận Tân Phú, TP.HCM) từ 15 tháng tù lên hai năm tù. Các bị cáo còn lại tòa tuyên y án sơ thẩm 16 tháng tù về cùng tội danh.
Trước đó, ông Thái kháng cáo đề nghị làm rõ vai trò của bà Trần Hoa Sen và đổi tội danh của một số bị cáo từ cố ý gây thương tích sang tội giết người. Các bị cáo trong vụ án kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Viện trưởng VKSND TP.HCM có quyết định kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Thanh. Bởi Thanh là người cầm đầu, có nhân thân xấu nhưng mức án thấp nhất là chưa phù hợp với tính chất hành vi đã gây ra.
Sau đó, cuối hạn kháng nghị theo luật, nhận thấy vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm tố tụng. Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.
Đại diện VKS tại phiên phúc thẩm đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị trước đó, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Đại diện VKS phân tích hồ sơ vụ án thể hiện quá trình điều tra ban đầu Thanh có bốn lời khai, Vũ Thụy Hồng Ngọc (vợ cũ bác sĩ Thái) có ba lời khai về việc bác sĩ Sen (bạn Ngọc) biết việc các bị cáo lên kế hoạch chém ông Thái.
Như vậy có căn cứ xác định bác sĩ Sen là người kết nối Thanh cho Ngọc và có tham gia việc Ngọc thuê Thanh chém ông Thái.
Đồng thời, bản án sơ thẩm chưa đánh giá đúng mức độ hành vi phạm tội. Vì động cơ vụ lợi mà Thanh và các bị cáo vô cớ chém người.
Các bị cáo phân công, lịch trình theo dõi, hoạt động theo kiểu băng nhóm xã hội đen coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm lại không áp dụng tình tiết phạm tội mang tính côn đồ đối với các bị cáo.
Trong vụ án này, bị cáo Ngọc có vai trò chủ mưu nhưng cấp sơ thẩm đánh giá không đúng tính chất vai trò của bị cáo, tuyên phạt mức án 18 tháng tù là quá nhẹ.
Bị cáo Thanh có nhân thân xấu, ba tiền án tiền sự về cướp giật, trộm cắp... nhưng tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ là phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng và tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù, thấp hơn cả đồng phạm...
Tương tự, các bị cáo khác chỉ một năm bốn tháng tù là quá nhẹ, không đánh giá đúng tính chất mức độ phạm tội. Quan điểm VKS là bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt như vậy là vi phạm pháp luật.
HĐXX nhận định trong phần thủ tục ông Thái bỏ ra khỏi phòng xử. Tòa xét xử vắng mặt đối với người bị hại này. Đồng thời bà Sen người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhân chứng có đơn xin xét xử vắng mặt và được chấp nhận.
Đi vào nội dung vụ án, HĐXX nhận định tòa đã triệu tập bà Sen là hợp lệ, trong hồ sơ vụ án đã có lời khai nên việc vắng mặt của bà Sen không ảnh hưởng tới quá trình xét xử.
Trong phần thủ tục, ông Chiêm Quốc Thái tự ý rời khỏi phòng xử, không có lý do nhưng trong hồ sơ vụ án đã có lời khai của ông Thái và ông có các luật sư bảo vệ quyền lợi nên việc xét xử vắng mặt bị hại không ảnh hưởng tới quyền lợi của người bị hại.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đúng như bản án sơ thẩm đã tuyên phạt. Với hành vi của các bị cáo đã bị tòa cấp sơ thẩm là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Kháng nghị của VKS TP.HCM cho rằng hành vi của bị cáo Ngọc là côn đồ, phạm tội có tổ chức.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng bị cáo Ngọc là người khởi xướng nhưng không trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, việc các bị cáo khác chém ông Thái nằm ngoài sự mong muốn của bị cáo.
Bị cáo Ngọc có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, mức án cấp sơ thẩm tuyên phạt đã đủ sức răn đe nên không chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt.
Bị cáo Thanh là người có vai trò chủ chốt, có nhân thân xấu nhưng cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Thanh mức án nhẹ hơn các đồng phạm khác là chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Vì vậy, cần chấp nhận một phần kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo Thanh.
Đối với kháng nghị hủy án, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội. Dù có thiếu sót trong việc áp dụng điều luật nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án nên không có căn cứ chấp nhận kháng nghị hủy án.
Đối với kháng cáo đối tội danh sang tội giết người, HĐXX nhận định các bị cáo không có động giết người, vết thương do các bị cáo gây ra không gây nguy hiểm tới tính mạng của người bị hại.
Tòa cấp sơ thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ vai trò của bà Sen, Ngọc, Thanh khai không bàn bạc với bà trong việc đánh ông Thái.
Mặt khác, ông Thái có cung cấp một số tài liệu mới nhưng không đủ chứng minh việc bà Sen có vai trò trong vụ án. Vì đó chỉ là những chứng cứ lời trình bày và không trực tiếp.
Vì vậy, chưa đủ căn cứ xác định bà Sen có vai trò đồng phạm. HĐXX kiến nghị tiếp tục làm rõ vai trò người này trong vụ án khác theo quy định.