Bắc Cực trở thành 'biển Đông' thứ hai?
Vào năm 2018, Trung Quốc công bố chính sách Bắc Cực, tự nhận là một quốc gia cận Bắc Cực bất chấp khoảng cách địa lý, đồng thời công khai ý định tham gia vào các vấn đề trong khu vực như một cổ đông lớn.
Xuyên suốt thập kỷ qua, theo tạp chí The National Interests, Bắc Kinh gia tăng hoạt động đáng kể ở Bắc Cực, kể cả nghiên cứu và thương mại, với hy vọng tận dụng các tuyến đường tắt vận chuyển hàng hóa toàn cầu cũng như các nguồn tài nguyên đang dần lộ ra vì biến đổi khí hậu. Bắc Kinh thậm chí đổi tên nhiều tuyến đường hàng hải nơi đây thành "Con đường Tơ lụa Bắc Cực", liên kết với các hoạt động khác trong Sáng kiến "Vành đai và Con đường" ở lục địa Á - Âu và Bắc Mỹ.
Cuối năm 2019, Đan Mạch cùng các cơ quan tình báo quốc phòng của nhiều nước khác cảnh báo quân đội Trung Quốc (PLA) đang sử dụng chương trình nghiên cứu tại Bắc Cực vì "mục đích kép", ám chỉ các cơ sở nghiên cứu khoa học của nước này trong khu vực có thể phục vụ ý đồ quân sự.
Việc Trung Quốc tự xưng là "quốc gia cận Bắc Cực" bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, bởi họ không có lịch sử khám phá khoa học trong khu vực hay biên giới địa lý. Giữa lúc Bắc Kinh và Washington ngày một căng thẳng, các lợi ích gia tăng của Trung Quốc ở Bắc Cực có thể vấp phải sự cản trở từ Mỹ và NATO. Do đó, chuyên gia Anya Gorodentsev của Trường ĐH Vermont (Mỹ) không loại trừ khả năng Bắc Cực trở thành "biển Đông" tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Trung.
Năm nay, Mỹ đã gia tăng hoạt động quân sự trên biển Đông bất chấp khủng hoảng Covid-19. Theo nhiều chuyên gia, việc Washington làm vậy xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau và đây là một dấu hiệu cho thấy quan hệ 2 nước tiếp tục xấu đi. Nói cách khác, biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ chung của 2 nước đang đi xuống vì thương mại, tấn công mạng, vấn đề Đài Loan, "trật tự quốc tế" và cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng ở châu Á…
Ngoài ra, không ít chuyên gia cho rằng nguyên nhân do Bắc Kinh phớt lờ những yêu cầu trước đó của Washington về việc chấm dứt mọi hành động ngang ngược trên biển Đông. Theo ông Timothy Heath, đến từ tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), động thái này một phần đến từ nỗ lực ngoại giao thất bại của Mỹ, khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh hoạt động quân sự để thể hiện rằng "Washington nghiêm túc trong vấn đề duy trì trật tự quốc tế ở biển Đông".Cao Lực