Bạc đầu trở lại Bạc Liêu

Tôi đã từng gặp Bạc Liêu bên ngôi biệt thự của công tử Ba Huy tráng lệ trên đường Điện Biên Phủ. Và tôi đã có duyên với thành phố này khi dò dẫm tìm đường tới ngắm ngọn tháp cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) có niên đại 892 sau Công nguyên. Con sông Gành Hào sóng sánh trong những câu hò mênh mang: 'Theo anh về xứ Bạc Liêu/ Ăn cá thay bánh, sò nghêu thay quà'. Lần này về lại Bạc Liêu, tôi thấy sự tươi mới và vạm vỡ khác lạ ở vùng đất này.

Giấc mơ cánh đồng điện gió

Trước kia tôi thường hình dung Bạc Liêu chỉ là quê hương của nghệ thuật đờn ca tài tử với những câu vọng cổ mê hồn. Hoặc có khi, đó là những câu chuyện lam lũ của diêm dân bên ruộng muối trắng lóa dưới ánh mặt trời. Nhưng giờ đây tôi thật sự ngạc nhiên khi đứng trước cánh đồng điện gió rộng lớn cách thành phố Bạc Liêu chừng mươi cây số. Phải nói đây là thiên đường gió của miền đất duyên dáng và có phần ủy mị này.

Hơn 100 cây “Turbine” điện gió vươn ra biển Bạc Liêu tạo nên kỷ lục lớn nhất tại nước ta hiện nay. Sự tươi mới của thành phố là đây và cũng khắc họa một chân dung Bạc Liêu gồ ghề đến bất ngờ. Cánh đồng điện gió ở xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) được coi là dự án đầu tiên xây dựng trên thềm lục địa Đông Nam Á (từ năm 2013 tới nay). Xưa mảnh đất hiền hòa này nổi tiếng: “Bạc Liêu dễ ở khó về” thì nay ai tới đây càng mê mẩn khó rời bởi cánh đồng điện gió rộng hơn ngàn hecta thật tráng lệ trước biển khơi.

Chiếc đồng hồ Thái Dương ở Bạc Liêu.

Chiếc đồng hồ Thái Dương ở Bạc Liêu.

Tôi ngỡ ngàng với những hình ảnh cột điện gió cao vút (80 mét) được ghép nối bộ cánh quạt dài 42 mét lừng lững trên đầu sóng. Chúng liên tục quay “Turbine” trước gió biển. Thật khó hình dung miền đất chân quê này giờ đây lung linh sáng ngời bằng năng lượng điện của chính mình làm ra. Với hiệu suất hơn 320 triệu kWh hàng năm, cánh đồng điện gió của Bạc Liêu còn góp năng lượng điện bổ sung cho cả miền Tây nói chung.

Người hướng dẫn hồ hởi nói với chúng tôi rằng, hãy tới đây khi bình minh hửng sáng mới thấy hình ảnh kỳ ảo của cánh đồng điện này. Những cánh gió quay đều chậm rãi với khúc ca riêng mình. Sắc màu của Bạc Liêu giờ không chỉ là: “Bạc Liêu giàu lúa ngô khoai/ Giàu cô gái đẹp, giàu trai anh hùng”; mà đã trăm hoa đua nở với sắc màu: “Cánh gió quay giấc mơ thế kỷ/ Những anh hùng thắp lửa tương lai/ Tiếng đàn kìm sâu lắng đường dài/ Câu hò Bạc Liêu ôm đầu sóng”. (Hồ Thương).

Cánh đồng điện gió giờ đây được coi là biểu tượng thời đại của Bạc Liêu; Niềm tự hào về sự đổi mới và hướng về tương lai của người dân xứ sở cá tôm ngày nào. Hàng chục ngàn du khách đã tới đây chiêm ngưỡng một kỳ quan mới trên cung đường biển Bạc Liêu. Họ đã quên đi hình ảnh một thời: “Mũi Cà Mau, ruộng Bạc Liêu/ Sóng trùng khơi vọng hoang liêu lên trời” (ca dao). Hồn thơ cổ phong vẫn ám ảnh cho tới nay cùng với bộ cánh gió hút điện của trời đất thắp sáng trên quê hương. Trong lòng tôi thêm một lần trở về bao nỗi xốn xang bên cánh đồng điện gió. Lời của ông cha xưa luôn vang vọng không khi nào tàn phai: “Bạc đầu trở lại Bạc Liêu/ Nghe con tôm nhảy giữa chiều mênh mang/ Vuông dọc rồi lại vuông ngang/ Vung tay quăng rớ, bạn vàng í ơi!”. (ca dao Tây Nam bộ).

Hồn vía Bạc Liêu

Sau khi rời cánh đồng điện gió, chúng tôi ngược lại con đường Cao Văn Lầu trở về trung tâm thành phố Bạc Liêu. Con đường dài hơn chục cây số chạy thẳng ra biển lớn mang tên người nghệ sĩ khai sinh ra suối nguồn của những bản ca vọng cổ rơi nước mắt. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) được tôn vinh là “Vua” của bộ môn đờn ca tài tử. Đoàn chúng tôi dừng chân bên khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tại đường Ninh Bình, kế bên con đường mang tên ông. Hướng dẫn viên ví von, nếu cánh đồng điện gió luôn vang lên bản giao hưởng của biển cả bao la thì nơi đây luôn ngân nga cung tơ lòng dịu ấm lắng sâu. Chúng tôi bước vào không gian âm nhạc cải lương bay bổng trong cung điệu tình yêu.

Bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” đã làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Tấu khúc sầu thảm của cõi lòng mong nhớ người thương đã làm tê dại tâm hồn bao lớp khán giả hơn một trăm năm qua. Tác phẩm này gắn liền với số phận long đong của người nghệ sĩ. Làn gió biển thổi dọc con đường Cao Văn Lầu thêm nỗi quấn quýt yêu thương. Giọng người hướng dẫn viên lạc đi trong câu chuyện kể: “Hồn Cao Văn Lầu bay theo ngọn cỏ/ Dù người xưa cánh hạc đã lên trời/ Lời ai dưới ánh trăng vàng thổn thức/ Nghe đắng cay đeo đuổi một kiếp người”…

Nghệ sĩ biểu diễn tại khu tưởng niệm Cao Văn Lầu.

Nghệ sĩ biểu diễn tại khu tưởng niệm Cao Văn Lầu.

Phận đời thật oái oăm. Vợ nhạc sĩ Cao Văn Lầu không sinh nở được sau ba năm chung sống với chồng và đã bị trả về nhà cha mẹ đẻ. Đó là tục lệ cay nghiệt của một thời phong kiến xa xưa. Cao Văn Lầu xót xa nhìn theo vợ khăn gói rời khỏi tổ ấm bấy lâu nay. Người nghệ sĩ chỉ biết ôm cây đàn mà rơi lệ trong lòng. Có chuyện kể, Cao Văn Lầu đã đem gửi vợ cho một gia đình người thân chăm sóc và vẫn lén lút gặp gỡ.

Lại có tích rằng, vợ Cao Văn Lầu đã xuống tóc đi tu biệt tăm. Sau bao ngày tìm kiếm, Cao Văn Lầu đã tìm được vợ và đưa ra ngoài sinh sống. Cao Văn Lầu quyết không lấy người khác vì vẫn một lòng yêu thương người vợ đã cùng mình má ấp môi kề bao năm. Tuy nhiên, đó chỉ là những lần gặp gỡ tâm tình ngắn tựa tày gang.

Thương người vợ trong những đêm cô đơn lạnh lẽo bên chiếc gối cưới ngày nào. Nỗi nhớ đến tận cùng khi tiếng gà gáy sáng của người vợ đã day dứt tâm hồn nghệ sĩ. Rồi đêm trăng sáng ấy, Cao Văn Lầu ôm cây đàn kìm cất lên lời ca xao xác tâm hồn với nỗi nhớ thương vợ ở nơi xa vắng. Giọt sầu nơi đáy mắt nghệ sĩ đã khóc thay cho người vợ nhớ chồng khi nghe tiếng trống canh vang lên trong không gian cô quạnh. Lời ca thắt ruột thắt gan chắt ra từ trái tim thương nhớ.

Chúng tôi hướng lên bức tượng chân dung nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng với bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” được khắc chữ vàng trên bia đá. Cuối cùng, ông trời có mắt khi Cao Văn Lầu hay tin vợ mình có thai với niềm vui khôn xiết. Tin bay về với gia đình làm xúc động cả nhà và họ cho đón vợ Cao Văn Lầu trở lại. Cùng lúc đó bản nhạc buồn sâu lắng của nhạc sĩ cũng được các ban nhạc hồ hởi đón nhận và ngợi ca. Đồng thời từ giai điệu bản nhạc này, các nghệ sĩ cải lương đã thay đổi nhịp phách và phát triển thành những bản ca vọng cổ bấy lâu nay. Lúc này trong hội trường biểu diễn, một giọng nữ trung trầm cất tiếng hát. Lời ca nghe tiếng trống khóc nhớ chồng nỉ non: “Từ là từ phu tướng/ Bửu kiếm sắc phong lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Đêm năm canh mơ màng…”. (Dạ cổ hoài lang).

Kim thời gian ánh sáng

Tôi thêm một lần thú vị với câu chuyện kỳ thú về chiếc đồng hồ “Thái Dương” (trên đường 30/4, phường 4 TP Bạc Liêu). Phải nói đây là đồng hồ đo bằng ánh sáng mặt trời độc nhất ở nước ta (xây năm 1913). Tác giả của công trình độc đáo này là kỹ sư Lưu Văn Lang (1880-1958) được đào tạo ở Pháp về. Điều kỳ lạ, khó ai có thể lý giải vì sao cho tới nay, sai số của những chiếc kim mặt trời này chỉ lệch với đồng hồ chuẩn chừng vài phút (sau 111 năm tồn tại). Sự dị thường nhất là vị trí (kinh độ và vĩ độ) mà tác giả chọn khe trụ đá để ánh sáng mặt trời chiếu qua. Điều cần giải mã thứ hai là độ cao thân trụ cùng độ nghiêng của mặt đồng hồ đón kim ánh sáng chỉ đúng giờ. Đó là những thách thức cho những ai muốn tìm ra độ chính xác của đồng hồ Thái Dương.

Miền đất “đờn ca tài tử” đã từng ẩn giấu ánh sáng văn hóa Óc Eo từ ngọn tháp Vĩnh Hưng (Khơ Me) thật sự đặc sắc. Rồi đó là những kỷ lục về cánh đồng điện gió và cây đồng hồ đá kỳ diệu càng làm cho Bạc Liêu trở nên hấp dẫn. Tôi ngắm chiếc kim ánh sáng hiện hữu dịch chuyển thời gian như một cung nhạc rung ngân trong tâm hồn. Lời nhắn gửi từ đâu đó trong câu hò trên dòng sông Gành Hào thơ mộng vang lên thơ thới: “Thuyền ai dời bến về đâu/ Sao không giăng cánh buồm nâu cùng về/ Sông sâu vang vọng câu thề/ Người đi hãy nhớ trở về Bạc Liêu”. (Xuân Ngọc).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/bac-dau-tro-lai-bac-lieu-i734313/