Bác đề xuất miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
Lý do là để thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số tiền miễn, theo ước tính của Chính phủ, vào khoảng 1.400 tỷ đồng.
"Hết sức cần thiết"
Tại phiên họp chiều nay (18/9), thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà trình UBTVQH xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (TNN) trong năm 2020.
Lý do, theo Bộ trưởng Hà, là để thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 82/2017/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các địa phương đã phê duyệt được gần 4.000 Quyết định cấp quyền khai thác TNN với tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước đến tháng 6-2020 khoảng 10,6 nghìn tỷ đồng.
Trên cơ sở số liệu kê khai của khoảng 4.000 công trình khai thác từ các doanh nghiệp đã có giấy phép khai thác sử dụng TNN (trong đó, dự kiến Bộ TNMT cấp khoảng 700 công trình, địa phương khoảng 3.300 công trình), ước tính số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2020 khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền đã thu nộp đến tháng 6/2020 khoảng 0,6 nghìn tỷ đồng.
Cho rằng việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020 là hết sức cần thiết, Bộ trưởng Hà nhận định sẽ “tạo được chính sách để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020”.
Nhận định về tác động của chính sách này đối với nền kinh tế, ông Hà chỉ ra, việc miễn tiền cấp quyền khai thác TNN cho các tổ chức, cá nhân góp phần giảm chi phí sản xuất, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, góp phần thúc đẩy những ngành nghề sản xuất khác và duy trì được lao động việc làm hiện có.
Đối với xã hội, vẫn theo người đứng đầu ngành TNMT, sẽ tác động trực tiếp đến tổ chức, cá nhân khai thác nước phục vụ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và gián tiếp tác động đến đời sống xã hội, như giảm nguy cơ mất việc làm đối với trường hợp doanh nghiệp đình trệ sản xuất.
Chính sách này cũng giúp duy trì lao động, việc làm cho người dân đối với trường hợp tổ chức, doanh nghiệp ổn định được sản xuất; ổn định việc làm sẽ hạn chế những tệ nạn xã hội.
Nêu tác động tới thu ngân sách nhà nước, ông Hà thông tin, sẽ giảm thu khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng. “Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020” – ông Hà nhìn nhận.
Nguồn kinh phí để thực hiện, được giải thích là từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác chi trả tiền lương, phụ cấp ngoài lương cho nhân lực từ các cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về TNN ở trung ương và địa phương.
Chưa đủ căn cứ
Khẳng định này được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban này, ông Nguyễn Đức Hải, yêu cầu Chính phủ bổ sung báo cáo đánh giá tác động rõ hơn về tình hình sản xuất và kết quả kinh doanh của các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN theo quy định của Luật TNN.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá tác động cụ thể hơn đối với ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, các phương án bù đắp, hỗ trợ địa phương do hụt thu ngân sách từ chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020.
"Việc trình Quốc hội ban hành chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020 chưa đảm bảo có đầy đủ căn cứ để ban hành chính sách" - ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, hiện các doanh nghiệp khó khăn đã được hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Người dân gặp khó khăn do đại dịch đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.
Trong khi đó, chính sách miễn tiền cấp quyền khai thác TNN cũng là chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, kinh doanh, vì thế, theo ông Hải, đối tượng hỗ trợ đã có phần trùng lặp với các chính sách trên.
“Có ý kiến cho rằng, trên thực tế các lĩnh vực sản xuất điện, nước sạch... là các đơn vị khai thác nguồn TNN lớn nhất, không chịu ảnh hưởng và thiệt hại nhiều của đại dịch Covid-19” – ông Hải báo cáo.
Thậm chí, theo ông Hải, việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn có lãi do các đơn vị sản xuất điện (nhà máy thủy điện), cấp nước (nhà máy cấp nước) không do Nhà nước định giá hoặc quyết định giá bán, trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước trong thời gian dịch bệnh không giảm nhiều và đây là các hàng hóa thiết yếu sử dụng tài nguyên quốc gia cần được sử dụng tiết kiệm, tránh lãng phí.
"Việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác TNN sẽ không thực sự tác động đến người dân mà chủ yếu có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang làm ăn, kinh doanh có lãi” - ông Hải chỉ ra.
Tham gia thẩm tra, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định tờ trình chưa làm rõ được sự cần thiết phải miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020 cho các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác TNN.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, do đó Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc ban hành các chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân là cần thiết, song cần phải được thực hiện đồng bộ, có chiều sâu, đúng đối tượng.
“Với việc không thu tiền cấp quyền khai thác TNN theo Nghị quyết này, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác TNN để sản xuất, kinh doanh đã được lợi khoảng 2.212 tỷ đồng (theo tờ trình số 317/Ttr-CP ngày 7/8/2019- PV)” - Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Nay với đề xuất ban hành Nghị quyết mới, Chính phủ lại đề nghị miễn tiền cấp quyền khai thác TNN trong năm 2020 với số tiền ước khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý việc miễn tiền cấp quyền khai thác TNN cho các đối tượng trên không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Trung ương mà còn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương, nhất là trong điều kiện ngân sách cả trung ương và địa phương cần nhiều khoản chi cho phòng chống dịch bệnh và những vấn đề liên quan.
“Việc miễn tiền cấp quyền khai thác TNN này nếu không được xem xét tổng thể có thể tạo sự không công bằng, bình đẳng đối với người tiêu dùng cuối cùng và giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh vì giá điện không giảm và giá thành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng không giảm” - Ủy ban Kinh tế chỉ ra.
Dẫn ví dụ, Ủy ban Kinh tế nói, thủy điện được miễn tiền cấp quyền khai thác TNN nhưng các loại hình phát điện khác không được hưởng ưu đãi này.
Với các phân tích trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, có phương án cụ thể, hợp lý đối với việc miễn tiền cấp quyền khai thác TNN mà người tiêu dùng cuối cùng cũng được hưởng lợi từ chính sách này, tạo sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh trong tương quan với các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, đồng thời cần có phương án bù đắp nguồn thu/chi cho những địa phương có nguồn thu lớn từ cấp quyền khau thác TNN bị ảnh hưởng bổ chính sách miễn giảm này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận sự quan tâm của Chính phủ đến tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, song thống nhất với quan điểm của Ủy ban TCNS.
Tuy nhiên, khẳng định Luật TNN hiện hành không có quy định gì về miễn giảm loại tiền này. Hơn nữa, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay thì việc hụt thu ngân sách 1.400 tỷ đồng, lại toàn rơi vào các địa phương khó khăn, các địa phương có trách nhiệm trồng rừng, giữ rừng, theo ông Hiển, là rất đáng cân nhắc.
"Tôi đề nghị chưa nên miễn khoản này" - ông Hiển nói.
UBTVQH cũng thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.