Bắc Giang bảo tồn, phát huy ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số

Việc mở lớp dạy học tiếng dân tộc cho thế hệ trẻ là việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Bắc Giang.

Tại Bắc Giang, hiện nay, tiếng Sán Dìu không có chữ viết phổ thông, chưa thống nhất được bộ chữ, vì thế việc dạy tiếng thường bằng cách truyền miệng...

Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu khai giảng lớp dạy tiếng dân tộc cho 136 học sinh của thôn Thum Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.

Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu khai giảng lớp dạy tiếng dân tộc cho 136 học sinh của thôn Thum Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.

Trước nguy cơ đó, mới đây, Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu đã tổ chức 2 lớp dạy tiếng dân tộc cho 136 học sinh của thôn Thum Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.

Lớp học diễn ra trong thời gian 2 tháng 6 và 7, các cháu học sinh sẽ được học các câu giao tiếp, ứng xử hàng ngày, các con vật, đồ vật gần gũi trong cuộc sống, các bài hát...

Thông qua lớp học, các cháu học sinh có thể sử dụng tiếng Sán Dìu để giao tiếp thông thường, hiểu biết hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc mình, góp phần việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Trước xu thế hội nhập và sự phát triển mạnh của kinh tế xã hội, một số nét văn hóa có nguy cơ bị mai một, lãng quên; nhiều thôn, xóm, số người biết nói tiếng dân tộc càng ngày ít đi, lớp trẻ và các cháu nhỏ hầu hết không biết nói tiếng của dân tộc mình.

Chính vì thế, việc mở lớp dạy học tiếng dân tộc Sán Dìu nói riêng và tiếng các dân tộc nói chung cho thế hệ trẻ là việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc ở Bắc Giang.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, cũng như tiếp nhận các kiến nghị của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về bảo tồn tiếng dân tộc. Vào tháng 2/2023, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã có đề xuất lên UBND tỉnh về việc xây dựng đề án "Bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang".

Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan xây dựng Đề án, trình UBND tỉnh tại phiên họp tháng 9/2023.

Và mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán xây dựng “Đề án bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.

Theo đó, mục tiêu của Đề án phấn đấu nâng tỷ lệ người DTTS trên địa bàn 5 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang nói được tiếng dân tộc mình lên khoảng 5% vào năm 2025 và khoảng 15% vào năm 2030.

Tỉnh Bắc Giang cho biết, đối tượng nghiên cứu theo Đề án gồm 6 thành phần DTTS là Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) và Dao; phạm vi thực hiện ở 73 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

Để việc bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc thiểu số của những người DTTS đang sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, năm 2023 sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình sử dụng tiếng DTTS và nhu cầu học tiếng dân tộc của người DTTS ở 73 xã vùng DTTS và miền núi, để làm căn cứ xây dựng Đề án.

Tiếp đó sẽ khảo sát, tổng hợp những cán bộ, công chức, viên chức, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào DTTS thông thạo tiếng dân tộc thiểu số (lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy) có khả năng, điều kiện, tâm huyết tham gia thực hiện Đề án.

Bồi dưỡng kỹ năng sư phạm (ngắn hạn) cho người thông thạo tiếng DTTS, để tham gia truyền dạy tiếng dân tộc trong cộng đồng và các Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) trên địa bàn tỉnh.

Biên soạn tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc (tập trung vào 6 DTTS với 7 ngôn ngữ, gồm: Tày, Nùng, Hoa, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu); trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt làm tài liệu lưu hành nội bộ để truyền dạy (Dân tộc Sán Chay gồm người Sán Chí và Cao Lan, là 2 dân tộc có tiếng nói khác nhau).

Tuyên truyền về sự cần thiết của bảo tồn, phát huy tiếng DTTS; khuyến khích việc sử dụng tiếng DTTS trong hoạt động giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày để tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện Đề án.

Trước đó, theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019, cho thấy, tỉnh Bắc Giang có trên 1,8 triệu người, với 45 thành phần dân tộc.

Việc đưa nội dung môn học tiếng dân tộc vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những biện pháp giúp bảo tồn tếng dân tộc hiện nay.

Việc đưa nội dung môn học tiếng dân tộc vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những biện pháp giúp bảo tồn tếng dân tộc hiện nay.

Trong đó, DTTS có 257.273 người, chiếm 14,26 % dân số toàn tỉnh, trong đó có 7 dân tộc có dân số đông, sinh sống thành cộng đồng là: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí, Dao….

Trong tổng số 212.000 mẫu phiếu điều tra chỉ có 1.100/26.411 người dân tộc Sán Chay được hỏi còn nói được tiếng của dân tộc mình, chiếm 4,16%; dân tộc Dao có145/10.000 người còn nói được tiếng dân tộc mình, chiếm 1,45%; dân tộc Hoa có 241/17.961 còn nói được tiếng dân tộc mình, chiếm 1,39%; dân tộc Tày có 619/47.878 còn nói được tiếng dân tộc mình, chiếm 1,29%; dân tộc Nùng có 755/81.462 người còn nói được tiếng dân tộc mình, chiếm 0,93%; dân tộc Sán Dìu có 131/29.275 người còn nói được tiếng dân tộc mình, chiếm 0,45%.

Theo ông Lê Bá Xuyên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, đây là tình trạng chung, chứ không phải của riêng Bắc Giang.

Trước thực trạng còn rất ít người dân tộc thiểu số (DTTS) có thể nói được ngôn ngữ của dân tộc mình, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải "bảo tồn"; bởi đó chính là di sản phi vật thể quý giá cần được bảo tồn khẩn cấp.

Chính vì vậy, ông Lê Bá Xuyên đánh giá cao việc tổ chức lớp dạy tiếng dân tộc Sán Dìu cho các cháu học sinh ở thôn Thum Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn. Đồng thời, ông cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đưa nội dung môn học tiếng dân tộc vào hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa của các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng DTTS.

Bên cạnh đó cần tuyên truyền về sự cần thiết của bảo tồn, phát huy tiếng DTTS; khuyến khích việc sử dụng tiếng DTTS trong cộng đồng, để tạo môi trường phát huy ngôn ngữ dân tộc.

Hải Yến

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bac-giang-bao-ton-phat-huy-ngon-ngu-tieng-dan-toc-thieu-so-2153116.html