Bắc Giang: Bất cập trong xử lý tàu không số khai thác cát, sỏi trái phép

Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tái diễn trên nhiều tuyến sông trong tỉnh Bắc Giang. Một trong những nguyên nhân là do việc xử lý tàu không đăng ký, đăng kiểm (gọi tắt là tàu không số) còn nhiều khó khăn, dẫn đến phương tiện này vẫn hoạt động, vi phạm khai thác mà chưa được xử lý triệt để.

Khó xử lý triệt để

Gần đây, ở một số địa phương như: Tân Yên, Lạng Giang xảy ra tình trạng sạt lở bãi đê sông Thương mà nguyên nhân chính là do hút cát, sỏi trái phép. Đáng chú ý, các đối tượng thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi trái phép thường sử dụng tàu không số lén lút hoạt động, trong khi quy định xử lý loại phương tiện này còn những bất cập, khó xử lý triệt để. Tàu không số vi phạm khai thác cát, sỏi bị phát hiện, tịch thu đều được đưa ra đấu giá. Có trường hợp, người trúng đấu giá chính là người vi phạm.

Nhiều tàu không số neo đậu tại sông Thương đoạn qua xã Dương Đức (Lạng Giang). Ảnh: Thế Đại.

Nhiều tàu không số neo đậu tại sông Thương đoạn qua xã Dương Đức (Lạng Giang). Ảnh: Thế Đại.

Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh, từ năm 2018 đến nay, lực lượng CSGT và công an các huyện có các tuyến sông đi qua đã phát hiện, lập biên bản xử lý 79 trường hợp hút cát trái phép, tịch thu 15 tàu không số trang bị máy móc phục vụ việc hút cát. Tuy nhiên, quy định của pháp luật đối với xử lý phương tiện vi phạm hành chính (trong đó có tàu không số) bị tịch thu còn những bất cập. Theo quy định tại Điều 126, Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020, toàn bộ tàu bị tịch thu không thuộc diện phải tiêu hủy mà được đưa ra đấu giá theo quy định.

Cũng theo quy định Điều 126 Luật Xử phạt vi phạm hành chính: Đối với tang vật, phương tiện thuê, mượn, chiếm giữ trái phép vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu (không do lỗi cố ý của người sở hữu, quản lý, sử dụng hợp pháp trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính) thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì không phải tàu thuyền nào cũng phải đăng ký, đăng kiểm. Đối với phương tiện bắt buộc phải đăng ký mà không thực hiện quy định này thì khi bị phát hiện, người sở hữu, quản lý, sử dụng cũng chỉ bị xử phạt hành chính, không có hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, lực lượng chức năng chỉ được tạm giữ phương tiện để bảo đảm việc nộp phạt.

Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT) cho hay: “Thực tế hoạt động tuần tra, kiểm soát, Đội đã phát hiện hoặc phối hợp bắt giữ không ít vụ dùng tàu không số khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép song không thể tịch thu, vì đối tượng vi phạm khai nhận sử dụng tàu của người khác. Ngoài ra, khi phát hiện tàu không số lưu thông, lực lượng CSGT đường thủy cũng chỉ có thể lập biên bản tạm giữ tàu để xử phạt lỗi không đăng ký, khi họ nộp phạt xong thì phải trả lại phương tiện vi phạm cho người sở hữu quản lý, sử dụng. Lỗi phương tiện thủy không đăng ký có mức phạt rất thấp, từ 1-2 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe vi phạm”.

Việc khó xử lý triệt để tàu không số vi phạm chính là một trong những nguyên nhân để không ít đối tượng cố tình sử dụng loại phương tiện này, thậm chí bị tịch thu rồi tiếp tục tham gia đấu giá mua lại hoặc nhờ người mua lại để sử dụng khai thác cát, sỏi trái phép khi có cơ hội. Về phía lực lượng chức năng, dù thấy tàu không số neo đậu công khai tại một số bến sông, biết là phương tiện phục vụ việc khai thác khoáng sản trái phép cũng không thể xử lý. Hiện trên tuyến sông Thương qua địa bàn xã Dương Đức (Lạng Giang), có 5-6 tàu không số trang bị máy móc trọng tải lớn neo đậu. Theo người dân sở tại phản ánh, các tàu này chủ yếu hoạt động về đêm, ban ngày nằm yên một chỗ.

Kiên quyết phá dỡ phương tiện vi phạm

Trao đổi về những bất cập trong xử lý đối với tàu không số khai thác cát, sỏi trái phép, Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT nêu quan điểm: “Bên cạnh việc lén lút khai thác cát, sỏi gây ảnh hưởng tới sự an toàn của nhiều tuyến đê, những tàu tự chế không đăng ký, đăng kiểm khi tham gia giao thông đường thủy còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn cho người và phương tiện xung quanh.

Từ năm 2018 đến nay, lực lượng CSGT và công an các huyện có các tuyến sông đi qua đã phát hiện, lập biên bản xử lý 79 trường hợp hút cát trái phép, tịch thu 15 tàu không số trang bị máy móc phục vụ việc hút cát (huyện Lục Nam 5 chiếc; Lạng Giang, Yên Dũng mỗi nơi 4 chiếc; Tân Yên 2 chiếc; Việt Yên 1 chiếc).

Để khắc phục tình trạng này, ngăn ngừa “cát tặc” trên các tuyến sông, bảo đảm an toàn lòng sông và các tuyến đê trên địa bàn, Phòng CSGT đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp với công an các địa phương rà soát lại số lượng tàu không số đang neo đậu, hoạt động; tổng hợp các trường hợp đã tịch thu, xử lý, nêu rõ những tồn tại, bất cập trong quản lý, xử lý, qua đó báo cáo, đề nghị Công an tỉnh kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật theo hướng kiên quyết tịch thu, phá dỡ đối với những tàu không số tham gia khai thác cát, sỏi trái phép để răn đe vi phạm.

Hiến kế xử lý tàu không số vi phạm, luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, trong khi các quy định pháp luật chưa được điều chỉnh phù hợp, chặt chẽ, để hạn chế việc tàu khai thác cát, sỏi trái phép không đủ điều kiện lưu thông, đã bị tịch thu, đưa ra đấu giá tiếp tục bị sử dụng vào hoạt động phi pháp thì các cơ quan, đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ từ khâu tổ chức thẩm định đến khâu đấu giá, bảo đảm phương tiện vi phạm được đưa ra đấu giá công khai, khách quan, đúng giá trị thực. Đặc biệt, đối với phương tiện không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì khi bị tịch thu phải tổ chức thanh lý để sử dụng vào mục đích khác. Cơ quan, chính quyền địa phương liên quan phải có trách nhiệm giám sát việc xử lý, sử dụng tài sản trúng đấu giá, bảo đảm tài sản được thanh lý, sử dụng đúng quy định nêu ra khi đấu giá.

Được biết, trước đây tại huyện Hiệp Hòa, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ gần chục tàu cuốc hút cát trái phép trên sông Cầu, sau đó, toàn bộ số tàu này đã được phá dỡ thanh lý dạng phế liệu. Tình trạng khai thác cát trộm tại địa phương này sau đó giảm hẳn.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/401917/bac-giang-bat-cap-trong-xu-ly-tau-khong-so-khai-thac-cat-soi-trai-phep.html