Bắc Giang: Bắt giữ tàu vận chuyển 700 tấn tro xỉ than không rõ nguồn gốc
Công an tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện, bắt giữ tàu chở 700 tấn tro xỉ than không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sử dụng Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực.
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Giang (CSGT) phát hiện, bắt giữ tàu chở 700 tấn tro xỉ than không có giấy tờ. Hiện Phòng CSGT đã bàn giao phương tiện và tang vật vụ vận chuyển tro xỉ than không có giấy tờ chứng minh cho Công an huyện Yên Dũng điều tra theo thẩm quyền.
Theo đó, hồi 18 giờ 18 phút ngày 23/12, trên tuyến sông Thương thuộc địa bàn huyện Yên Dũng, Tổ tuần tra thuộc Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng CSGT tiến hành kiểm tra phương tiện tàu BN 1738. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Văn Ca, sinh năm 1982, trú tại thôn Cường Tráng, xã An Thịnh, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh).
Bắt giữ tàu chở 700 tấn tro xỉ than không có giấy tờ trên tuyến sông Thương. (Ảnh: Báo Bắc Giang)
Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tàu BN1738 có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực, trên phương tiện chở khoảng 700 tấn tro xỉ than. Lái tàu không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến số hàng hóa đang vận chuyển.
Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm đối với ông Nguyễn Văn Ca về hành vi sử dụng Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực và bàn giao toàn bộ hàng hóa, phương tiện cho Công an huyện Yên Dũng xử lý theo quy định.
Theo các chuyên gia môi trường, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam ngày càng vơi dần do chính sách khai thác và quản lý chưa sát sao. Đặc biệt, công nghệ khai thác kém cũng là một phần của nguyên nhân cạn kiệt tài nguyên, trong đó có tài nguyên than – một trong những loại khoáng sản “trời phú” cho Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) thông tin: Hiện nay với 18.000 MW của các nhà máy điện than đang hoạt động thải ra khoảng 16 – 17 triệu tấn tro và xỉ mỗi năm. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, nếu không có biện pháp xử lý thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và mỗi năm thêm khoảng 32 triệu tấn. Nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 m thì chúng ta sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ, bằng diện tích cả 1 xã ở đồng bằng Bắc bộ.
Đáng chú ý, theo ông Sính, năm 2030, ước tính lượng than sử dụng 129 triệu tấn mỗi năm, trong đó than nội khoảng 44 triệu tấn. Riêng thủy ngân chứa trong than nội (than Quảng Ninh) với mức 0,464 mg thủy ngân/kg than và tỉ lệ loại bỏ 65%, lượng thủy ngân xả ra không khí là 6,8 tấn mỗi năm. “Tóm lại, khung pháp lý Việt Nam cần khẳng định tro xỉ là độc hại và cần đảm bảo tro xỉ than được quy định chặt chẽ trong khung pháp lý. Tro xỉ cần được giữ nguyên trong danh mục chất thải nguy hại của các quy định pháp luật hiện hành”, ông Sính đề xuất.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tiềm ẩn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụ thể không kiểm soát được phương án cải tạo phục hồi môi trường, mất an toàn vệ sinh lao động và gây thất thu ngân sách nhà nước. Qua các hoạt động giám sát, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường đã chỉ ra một loạt bất cập như một số quy định của pháp luật về khoáng sản không còn phù hợp, chưa thống nhất đồng bộ với pháp luật hiện hành về đầu tư, về đấu giá tài sản, về đất đai môi trường.
Trao đổi với báo Pháp luật, ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) cho rằng, có nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ rất nguy hại với sức khỏe con người và môi trường. Tro xỉ có chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Do đó, tại Thông tư 36/2015, Bộ TN&MT đã đưa tro xỉ của nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại với môi trường.