Bắc Giang: Cả làng nháo nhác vì vỡ hụi
Buôn bán cực nhọc, cóp nhặt, tiết kiệm chi tiêu để hằng tháng đóng hụi (còn gọi là đóng họ, biêu, phường) với hy vọng có một khoản tiền kha khá khi gia đình làm việc lớn. Thế nhưng hàng trăm người dân ở xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang (Bắc Giang) đang 'đứng ngồi không yên' vì chủ hụi bị công an điều tra liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Ki cóp cho... cọp xơi”
Xã Đồng Sơn nằm cạnh sông Thương, sát cao tốc Hà Nội-Bắc Giang nổi tiếng là địa phương giàu có. Người dân ở đây có nghề truyền thống buôn bán hàng Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn. Đến thôn nào trong xã cũng thấy những ngôi nhà cao tầng, nhiều nhà xây dựng kiểu cách chẳng kém các biệt thự đắt tiền trên phố.
Thế nhưng cả tuần nay, tại xã này, thông tin hai phụ nữ - chủ hai đường dây chơi hụi lớn là Nguyễn Thị Châm (67 tuổi) ở thôn Chùa và Lưu Thị Tiến (57 tuổi) ở thôn Sòi bị cơ quan công an điều tra có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến cả làng trên xóm dưới nháo nhác. Nạn nhân đa số là người cùng làng, cùng xã thậm chí anh em họ hàng với chủ hụi, người liên quan ít cũng 50 triệu đồng, người nhiều lên đến cả tỷ.
Bà Nguyễn Thị Nga (SN 1956) có cửa hàng bán tạp hóa ở giữa thôn Chùa kể giọng buồn so: “Đầu năm 2021, tôi tham gia 3 phường chỗ bà Châm trong đó vào hộ đứa con gái 1 phường, mỗi tháng đóng tổng cộng 15 triệu đồng. Đây là số tiền tôi nhặt từng đồng bán hàng, thỉnh thoảng các con cháu cho tiền ăn quà nhưng tôi nào dám ăn. Đến hạn trả nhưng bà Châm bảo nhường cho người khác lấy trước, tôi chỉ lấy được 1 bát cho con gái. Tin tưởng bà ấy chủ phường gần 20 năm nay có bao giờ lỡ hẹn ai đâu nên tôi cũng đồng ý lấy sau. Giáp Tết năm ngoái, khi bà Châm tuyên bố vỡ nợ, tôi mới ngã ngửa. Vậy là bà ấy đang cầm của tôi 2 bát tổng cộng là 290 triệu đồng”.
Hơn chục năm tham gia đóng hụi cho bà Châm, vợ chồng ông bà Trần Xuân Năm-Thân Thị Vẻ không nghĩ có ngày lại mất số tiền lớn như vậy. Các con đều làm công ty, thu nhập chính của ông bà là làm ruộng và con cháu trả cho việc trông trẻ. Ki cóp được số tiền hằng tháng, mỗi ông bà chơi một phường 5 triệu đồng, ngoài ra còn đóng hộ cho 4 người con mỗi người một phường. Gia đình cũng chưa có việc gì lớn cần tiền nên ông nhường cho người khác để dồn vào lấy cuối cùng, sau hai năm có thêm món. Đến hạn, bà Châm khất, gia đình như chết lặng với số tiền đọng lên đến 450 triệu đồng.
“Bà ấy là vợ liệt sĩ, có duy nhất một người con trai, nhà cửa đàng hoàng, ô tô đẹp, con dâu buôn bán ở chợ Ninh Hiệp (Hà Nội), chủ hai ki-ốt. Từ xưa đến nay chưa bao giờ trả chậm cho ai. Cứ đến ngày đến tháng là gọi đến trả. Người nào có công có việc cần tiền trước bà đều ưu tiên. Bà ấy cũng có tuổi rồi, hơi đâu còn đi lừa làm gì. Cả làng này ai cũng tin nên tham gia chơi hụi ở đây khá nhiều” - ông Năm kể.
Trong số những nạn nhân của bà Châm, chị Phạm Thị Thủy (SN 1990) có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Chồng mất sớm, một mình nuôi hai đứa con ăn học. Hằng ngày chị vẫn đi chợ buôn bán quần áo với mong muốn có khoản tiền tích cóp lo cho con sau này, chị tham gia 2 phường (mỗi phường 5 triệu đồng/tháng).
Theo thỏa thuận, mỗi tháng chị Thủy phải đóng 5 triệu đồng, nếu lấy cuối cùng tức là sau 24 tháng, ngoài việc lấy về 120 triệu đồng tiền gốc, chị sẽ được thêm 24 triệu đồng tiền lãi, trả cho người cầm hụi 2 triệu đồng chị vẫn còn được 22 triệu đồng, gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Tham gia được 6 tháng thì bà Châm không có khả năng chi trả.
“Mọi người đến nhà cầu xin bà trả thì bà bảo cứ từ từ, tôi sẽ lo trả được. Có gia đình con đi bệnh viện cấp cứu, chồng mổ ung thư, vợ tai nạn đến lượt lấy mà bà ấy cứ khất. Xin mãi bà trả cho nửa bát. Chỉ đến khi con dâu bà ấy bảo bà không trả được thì nói thẳng với mọi người là vỡ nợ đi, sao phải hứa như vậy. Lúc ấy mọi người mới vỡ lở. Bà con ở đây có bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng bằng mồ hôi nước mắt vất vả làm ra đều dồn vào đóng phường, mong tích lũy được số tiền lớn. Nay lâm vào hoàn cảnh này chúng tôi không biết sống ra sao, tất cả tiền bạc đều có nguy cơ mất trắng”- chị Thủy bức xúc
Trung tá Nguyễn Hùng Cường, Trưởng Công an xã Đồng Sơn cho biết: “Thống kê sơ bộ, riêng trong xã có hơn 300 người tham gia đóng hụi cho bà Châm. Những người này đa dạng thành phần, buôn bán lớn nhỏ, người làm công nhân, phụ vữa, người có tiền nhờ bán đất, bán ruộng, có cả những nông dân nhặt nhạnh từng đồng bán rau, thu mua đồng nát…”.
Theo thông tin phóng viên tìm hiểu, bà Châm tổ chức 30 dây phường, mỗi dây có từ 12 đến 24 người tham gia, mỗi người đóng 5 triệu đồng/tháng, luân chuyển trong thời gian 24 tháng. Mỗi bát một tháng bà được nhận 1 triệu đồng.
Không chỉ chơi cho mình, nhiều gia đình còn vào hộ cho con, cho cháu, cho người thân ở nơi khác như bà: Tạ Thị Vạn, Tạ Thị Hoàn, Nguyễn Thị Tư, Tạ Thị Nhung... Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2022 (tương đương với thời hạn một dây phường), bà Châm đã lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng của hơn 60 người.
Vừa chủ hụi, vừa cho vay lãi
Biết thông tin qua báo chí về việc bà Lưu Thị Tiến ở thôn Sòi bị công an điều tra có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền chơi hụi, vợ chồng ông bà Phan Văn Trung - Nguyễn Thị Nhung ở cùng thôn cứ đứng ngồi không yên.
Có con đi lao động xuất khẩu gửi tiền về, cộng với số tiền dành dụm từ nhiều năm, nay có tuổi lại bị bệnh (ông bị ung thư gan, bà mổ cột sống), ông bà tham gia chơi phường mong số tiền nhàn rỗi đó sinh lời, có món kha khá giữ hộ cho con gái làm nhà, vợ chồng chữa bệnh.
Ông kể rằng bà Tiến đến tận nhà vận động: “Bác có điều kiện, con cái đi nước ngoài thế bác vào phường cho em. Chơi phường em đến tận nhà thu cho, đỡ phải đi lại, không cần thủ tục rườm rà, lãi cũng cao hơn. Nghe cũng bùi tai, tôi vào 4 suất, mỗi suất 5 triệu đồng, đóng được 21 tháng rồi đến ngày lấy thì không được"
Tháng 12/2022, ông là người lấy sau cùng, đến lấy thì bà trốn biệt tích. "Tôi đã chặt 4 cây nhãn cổ thụ, chờ lấy bát họ thì đào móng làm nhà. Vậy mà bây giờ tiền mất, nhà không làm được, hai vợ chồng vẫn phải đi bệnh viện chữa trị. Vợ chồng tôi nóng ruột quá. Mong rằng bà ấy nghĩ đến số tiền lớn nhất của tôi đưa cho mà thu xếp trả”. Ngoài ra, từ năm 2018 ông còn cho bà Tiến vay tổng cộng 500 triệu đồng và được bà trả lãi như tiền phường. Đến nay còn đọng 1 tỷ đồng chưa tính lãi.
Bà Trịnh Thị Nghìn (SN 1956) tham gia 8 bát (5 triệu đồng mỗi bát) cho bà Tiến nước mắt lưng tròng kể: Tôi không biết chữ, gia đình có bán ruộng, bán đất, tuổi già chẳng làm gì ra tiền, tôi tham gia chơi phường những mong có khoản lo ốm đau bệnh tật lúc tuổi già. Vậy mà nay đọng ở đây 994 triệu đồng". Ở thôn Sòi còn có hàng trăm người dân cũng bị bà Tiến nhận hụi. Đến ngày lấy đều khất, nói rằng người này người kia đã lấy trước rồi.
Khi được hỏi tại sao bà Tiến bỏ trốn khỏi địa phương từ tháng 12/2022 mà đến nay người dân mới tố cáo. Ông Trung và một số nạn nhân cho biết: Bà Tiến có hai con trai, một đứa lấy vợ lập nghiệp ở tỉnh Nghệ An.
Khi chúng tôi đến nhà người con trai (ở chung với bà Tiến tại thôn Sòi) thì anh ấy bảo đại ý là mẹ cháu đã thế rồi, mong các bác đừng làm rùm beng để anh em chúng cháu lo làm ăn trả cho mọi người. Gia đình cháu hứa sẽ bán đất, bán nhà, bán xe kể cả đi vay lãi để trả. Nể người làng anh em họ hàng chúng tôi cứ chờ các con bà sẽ trả giúp mẹ.
Thế nhưng vừa rồi con trai bà ấy tuyên bố các ông các bà chơi phường đưa tiền cho bà Tiến chứ có đưa cho con cháu đâu mà đến đòi cháu. Thế nên chúng tôi buộc phải nhờ đến cơ quan công an.
Khác với bà Châm, ngoài làm chủ nhiều đường dây hụi, bà Tiến còn vay tiền của nhiều người rồi cho vay lại. Nhiều người vét hầu bao cho bà vay để lấy lãi. Thấy lãi suất cao nên không ít người cũng ham.
“Suốt ngày bà Tiến xách túi đi ngồi lê quanh làng, quanh xã xem ai cần vay tiền thì cho vay. Trước khi trốn khỏi địa phương, bà ở trong ngôi nhà như biệt thự, to đẹp, ước tính chi phí gần chục tỷ đồng. Có thể bà ấy dùng tiền để mua đất, làm ngôi nhà này, hoặc đem cho vay lãi ngoài, hưởng lợi cao hơn dòng tiền chơi phường; cũng có thể góp vốn đầu tư vào bất động sản”- một nạn nhân đặt giả thuyết về số tiền chiếm đoạt.
Thận trọng khi tham gia
Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Tuy nhiên, không ít đối tượng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng. Nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể việc chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền nhưng trên thực tế không chủ hụi nào thông báo.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: "Vụ việc xảy ra ở xã là huy động vốn trái quy định, mang tính chất lừa đảo với số tiền lớn. Chính quyền địa phương cũng đã nắm thông tin về việc chơi hụi của người dân, có tuyên truyền về hậu quả nhưng nhiều người vẫn lén lút tham gia. Cho đến khi vỡ hụi mới trình báo chính quyền, cơ quan công an”.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã từng xảy ra nhiều vụ vỡ hụi. Khi được tính lãi suất cao, nhiều người xem việc chơi hụi như gửi tiết kiệm. Lợi dụng tâm lý này, đối tượng cầm hụi đã âm thầm huy động tiền rồi bỏ trốn, thậm chí sang nhượng, tẩu tán tài sản cho người khác.
Đơn cử như năm 2019, hơn 30 người dân ở phường Đa Mai (TP Bắc Giang) đã làm đơn tố cáo đối tượng Dương Thị Thúy (SN 1973) chiếm đoạt khoảng 8 tỷ đồng tiền đóng phường và cho vay cá nhân. Họ mang cả quan tài đến trước cửa nhà đối tượng để gây sức ép trả tiền, gây mất an ninh trật tự.
Sở dĩ số tiền chủ hụi chiếm đoạt thường lớn là do nạn nhân đóng tiền vào phường đều không biết trong bát phường mình tham gia gồm những ai. Đến hạn lấy, chủ hụi đều viện lý do là ông này, bà kia đã lấy trước rồi (nhưng thực chất chưa ai được lấy). Vì vậy mọi người ai cũng nghĩ mình là người lấy cuối cùng, sẽ được hưởng lãi nhiều nhất. Sau thời gian đóng phường thường là 24 tháng một chu kỳ/phường, chủ hụi ôm số tiền lớn và tuyên bố vỡ nợ.
Nguy cơ tiếp tục vỡ hụi nhất là ở vùng nông thôn chắc chắn chưa dừng lại. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang khuyến cáo, hình thức chơi “hụi, họ, biêu, phường” mang nhiều rủi ro, hệ lụy và có thể biến tướng trở thành hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại điều 201 Bộ luật Hình sự.
Người dân nên lựa chọn các hình thức đầu tư, tiết kiệm khác phù hợp và an toàn, đúng quy định của pháp luật để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, vừa phòng tránh rủi ro, cũng như không vi phạm pháp luật khi tham gia.
Nhóm PV Nội chính