Bắc Giang chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Việc xác định các vùng sản xuất cụ thể không chỉ giúp Bắc Giang tổ chức tốt hơn quá trình sản xuất mà còn giảm thiểu tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt cung cầu, điều mà trước đây thường xảy ra với mô hình canh tác nhỏ lẻ.

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 100 ngày 18/1/2023, phê duyệt kết quả rà soát, chỉnh sửa và cập nhật bản đồ số hóa các vùng sản xuất nông nghiệp. Quyết định này giúp xác định rõ các vùng sản xuất nông sản chủ lực như lúa, rau, vải thiều, và lâm sản, cũng như các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 139 vùng trồng lúa tập trung với diện tích hơn 18,4 nghìn ha, chiếm 50,5% diện tích đất sản xuất lúa cần bảo vệ. Đáng chú ý, diện tích các vùng không hiệu quả do manh mún và thiếu khả năng tưới tiêu đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Tại huyện Lục Nam, chính quyền đã quy hoạch 59 vùng trồng cây tập trung bao gồm lúa, rau, vải, bưởi, và các loại trái cây khác. Ảnh: Nguyễn Linh

Tại huyện Lục Nam, chính quyền đã quy hoạch 59 vùng trồng cây tập trung bao gồm lúa, rau, vải, bưởi, và các loại trái cây khác. Ảnh: Nguyễn Linh

Các vùng sản xuất rau tập trung chủ yếu ở các huyện như Lục Nam, Hiệp Hòa, Yên Dũng, và Tân Yên, trong khi các vùng trồng vải thiều tập trung ở các khu vực chuyên canh tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng duy trì 21 vùng chăn nuôi lợn quy mô lớn, điều chỉnh theo thực tế về quỹ đất và nhu cầu thị trường.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, Bắc Giang cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất. Các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc cơ giới hóa, nâng cấp hạ tầng và thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, và nông dân.

Tại huyện Lục Nam, chính quyền đã quy hoạch 59 vùng trồng cây tập trung bao gồm lúa, rau, vải, bưởi, và các loại trái cây khác, đồng thời xác định 12 vùng chăn nuôi quy mô lớn, với các mô hình nuôi lợn, gà, dê, trâu, và bò.

Huyện cũng có 3 vùng nuôi thủy sản thâm canh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Với tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 98% và thu hoạch đạt 97%, Lục Nam đã tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, nâng cao hiệu suất sản xuất và đảm bảo mùa vụ.

Hơn nữa, hạ tầng giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi cũng được nâng cấp, tạo điều kiện tốt cho sản xuất nông nghiệp. Chính quyền địa phương còn khuyến khích các doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn cho nông dân.

Điển hình là Hợp tác xã An Việt, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam. Ông Vũ Anh Thái, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Đơn vị hiện có khoảng 30 ha đất trồng rau màu và đã nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh, bao gồm mở rộng diện tích nhà kính, cấp chứng nhận VietGAP và cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng. Nhờ những hỗ trợ này, Hợp tác xã An Việt đã đạt được doanh thu khoảng 5 tỷ đồng mỗi năm, với lợi nhuận đạt khoảng 1,5 tỷ đồng."

Bên cạnh việc phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi, Bắc Giang cũng đặc biệt chú trọng đến hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là tại các khu vực ứng dụng công nghệ cao. Tại thị xã Việt Yên, mặc dù địa phương đang hướng tới phát triển công nghiệp và đô thị nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho dân cư và các khu công nghiệp.

Thị xã đã xác định 9 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích hơn 950 ha, cùng 5 vùng sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 155 ha. Ngoài ra, có 5 vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, tập trung tại các phường và xã như Tự Lạn, Bích Động, và Thượng Lan.

Tuy nhiên, trước đây hạ tầng thủy lợi và giao thông nội đồng chưa đồng bộ, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục, Việt Yên đã đầu tư xây dựng đề án hỗ trợ cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh từ năm 2022, giúp nông dân chủ động nguồn nước và dễ dàng vận chuyển sản phẩm, nhiều mô hình trồng dưa, rau màu, và nho theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ đã mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Để nâng cao giá trị nông sản và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế sẽ tiếp tục được tỉnh chú trọng. Tỉnh cũng sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau quả chế biến, đồng thời phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP… giúp gia tăng giá trị xuất khẩu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh hướng tới quy mô trang trại lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế rủi ro dịch bệnh. Sản xuất quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao sẽ là hướng đi chủ đạo trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh bền vững, hiện đại.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất để nâng cao giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, chú trọng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững.

Đồng thời, làm tốt công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất.

Nguyễn Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bac-giang-chu-trong-quy-hoach-vung-san-xuat-huong-toi-nen-nong-nghiep-hien-dai-d225910.html