Bắc Giang: Đa dạng cây trồng, nâng giá trị sản xuất

Thời tiết bất lợi, giá vật tư đầu vào cao song nhờ chủ động ứng dụng công nghệ, lựa chọn cây trồng phù hợp, đa dạng nên giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang không ngừng tăng, tiệm cận mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025.

Khai thác tối đa lợi thế

Giai đoạn 2016- 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 140 triệu đồng/năm. Cụ thể hóa mục tiêu này, cùng với chủ trương, chính sách hỗ trợ của tỉnh, nông dân đã chủ động, sáng tạo lựa chọn cây trồng giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường lớn vào canh tác, nâng giá trị kinh tế.

Mô hình trồng măng Lục Trúc ở xã Ngọc Lý (Tân Yên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng măng Lục Trúc ở xã Ngọc Lý (Tân Yên) cho hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy nhu cầu rau xanh tại các khu công nghiệp ở địa bàn giáp ranh ở tỉnh Thái Nguyên và TP Hà Nội lớn, vài năm trước, một số hộ dân ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng các loại rau cải. Với ưu điểm thời gian thu ngắn (mỗi tháng 1 lứa), tiêu thụ thuận lợi nên giá trị kinh tế tăng đáng kể. Thấy hiệu quả, nhiều hộ dân cũng chuyển sang thâm canh rau cải, nâng tổng diện tích của toàn thôn lên 15 ha.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Trung Tâm chia sẻ: “Toàn bộ 7 sào đất nông nghiệp của gia đình tôi đã chuyển sang trồng rau cải. Trừ thời gian cho đất nghỉ, mỗi năm gia đình thu 10 lứa rau, sản lượng 7 tạ/sào/lứa. Với giá bán bình quân 4 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu gần 30 triệu đồng/sào/năm, tính ra mỗi ha thu hơn 800 triệu đồng”.

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng song giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt 135 triệu đồng/ha và dự kiến đạt 138 triệu đồng khi kết thúc năm 2023, tiệm cận mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025.

Theo thống kê hiện toàn tỉnh có khoảng 140 nghìn ha đất canh tác, trong đó đất trồng cây hàng năm hơn 80 nghìn ha, còn lại là trồng cây ăn quả. Nhờ chủ động áp dụng kỹ thuật trong thâm canh gối vụ, giá trị sản xuất không ngừng tăng và đạt 135 triệu đồng/ha/năm vào năm 2021, tăng 15 triệu đồng/ha so năm trước đó. Bước sang năm 2022, dù gặp khó khăn do dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng song vẫn đạt 135 triệu đồng/ha/năm, dự kiến “cán mốc” 138 triệu đồng/ha khi kết thúc năm 2023.

Ghi nhận cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đưa giống có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn vào sản xuất trở thành “chìa khóa” nâng cao thu nhập, giúp nông dân yên tâm bám ruộng. Tại huyện Tân Yên, nếu trước đây, trên diện tích đất bãi, vàn cao, người dân chủ yếu trồng lạc thì nay đã chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Ổi (300 ha), măng Lục Trúc (80 ha), sâm nam…

Với diện tích đất trồng cây hằng năm, nông dân cũng từ bỏ mô hình truyền thống “2 lúa, 1 màu” sang thâm canh gối vụ “1 lúa, 4 màu”… Nhờ đó, ước hết năm 2023, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích của huyện đạt 171 triệu đồng/ha/năm. Tương tự, tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam), 3 năm gần đây, toàn xã trồng thêm 100 ha na, nâng tổng diện tích lên 450 ha.

Anh Bùi Văn Ba, thôn Kỳ Sơn (xã Nghĩa Phương) nói: “Trước đây, na cho thu hoạch trong thời gian hơn 1 tháng. Nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật cho na ra quả trái vụ nên thời gian thu kéo kéo dài từ giữa tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hằng năm. Với 1,5 ha na, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 400 triệu đồng”.

Thêm “cú hích” để bứt phá

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song kết thúc 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn tăng 2,7% và là năm thứ 3 liên tiếp có mức tăng trưởng tăng. Có được kết quả trên, ngoài cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, sự năng động của người dân thì việc tỉnh cũng như các địa phương chủ động chuyển dịch cơ cấu, chọn cây trồng phù hợp với lợi thế, tạo ra bộ sản phẩm riêng, đặc trưng như: Gà đồi, nhãn chín muộn ở Yên Thế; măng, ổi, vải thiều chín sớm (Tân Yên); cam, bưởi, vải thiều (Lục Ngạn); na Lục Nam; rau cần Hiệp Hòa; lúa thơm Yên Dũng…Cùng đó, nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu, góp phần tăng năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, dù giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đã tiệm cận mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra song do nhiều yếu tố khác nhau nên sản xuất nông nghiệp, nhất là công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn bộc lộ nhiều hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, năng suất và chất lượng chưa ổn định, chưa có thương hiệu.

Sản phẩm mang tính hàng hóa nổi bật ít nên hiệu quả và sức cạnh tranh kém; việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến, có hiệu quả vào sản xuất chưa mạnh… Khắc phục những vấn đề trên, cùng với bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa 2 vụ, ngành nông nghiệp sẽ tập trung rà soát, quản lý và chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và thực phẩm.

Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với sản phẩm chủ lực... Đặc biệt, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XIX xem xét, thông qua các nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ sản xuất giống phục vụ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản.

“Ngay khi các Nghị quyết có hiệu lực, ngành sẽ tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triền khai, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Khi đó các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp sẽ có thêm “cú hích” để mở rộng sản xuất, đưa giống mới, chất lượng cao vào trồng và mở rộng thị trường để nâng giá trị sản xuất, thu nhập của người dân, góp phần hoàn thàng sớm các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứu XIX đề ra”, ông Lê Bá Thành nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/408513/bac-giang-da-dang-cay-trong-nang-gia-tri-san-xuat.html