Bắc Giang: Dân tố lâm trường cướp rừng

Không chỉ riêng ông Mến, đây cũng là tình cảnh chung của gần 20 hộ dân sống tại thôn Quản Hái Hồ.

Người dân tố Lâm trường Mai Sơn khai thác và chiếm đoạt số gỗ của họ đã trồng và chăm sóc từ 20 năm nay

Người dân tố Lâm trường Mai Sơn khai thác và chiếm đoạt số gỗ của họ đã trồng và chăm sóc từ 20 năm nay

Các hộ dân sinh sống tại thôn Quản Hái Hồ, xã Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang hơn 10 năm nay kêu cứu khi bị Công ty TNHH MTV Lâm trường Mai Sơn vi phạm việc giao đất, trồng rừng, chiếm đoạt rừng của dân. Sự việc được phản ánh đến Sở NN& PTNT và Thanh tra tỉnh nhưng bị bưng bít, bao che không được giải quyết, gây muôn vàn bức xúc.

Nhiều khuất tất

Từng là công nhân Lâm trường Mai Sơn (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn), năm 1996, gia đình ông Tạ Văn Mến ở tiểu khu Hoàn Hồ, thôn Quản Hái Hồ, xã Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang được lâm trường giao khoán tham gia trồng 14,6 ha rừng phòng hộ thuộc Dự án 327 với thời hạn 30 năm. Nhưng chỉ sau 10 năm (năm 2006), gia đình ông bị nông trường này làm biên bản thanh lý thu hồi toàn bộ số rừng giao khoán trồng và chăm sóc khi chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch khiến cuộc sống khó khăn.

Không chỉ riêng ông Mến, đây cũng là tình cảnh chung của gần 20 hộ dân sống tại thôn Quản Hái Hồ. Thêm vào đó, lâm trường Mai Sơn còn bàn giao diện tích rừng trên cho người ở nơi khác khiến người dân vô cùng bất bình.

Phản ánh với PV, các hộ này cho biết, việc làm kể trên của Lâm trường Mai Sơn chẳng khác gì cướp đoạt phương tiện sống của dân khiến họ không còn đất để canh tác, phát triển kinh tế, cuộc sống rất khó khăn dẫn đến khiếu kiện từ nhiều năm nay. Đặc biệt, năm 2011, Lâm trường Mai Sơn đã tự ý khai thác số gỗ mà các hộ dân này đã trồng và chăm bón nhiều năm.

Điều đáng nói, sau khi khai thác xong số gỗ, do bị khiếu kiện thì lâm trường buộc phải điều đình và chi trả cho dân thêm số tiền 300.000 đồng/ha/năm công trồng và chăm sóc và 20% sản lượng gỗ. Người dân cho rằng, điều này là trái với quy định hiện hành nên không chấp nhận và làm đơn khiếu kiện.

Trả lời PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm trường Mai Sơn thừa nhận có sự việc trên và hiện tại dân vẫn đang kiện công ty. Lý giải về việc chi trả cho dân sau khi lâm trường khai thác gỗ, ông Bình cho biết: Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp mà công ty giao khoán cho gần 20 hộ dân sinh sống tại xã Vô Tranh là rừng trồng phòng hộ của Nhà nước đầu tư từ vốn ngân sách theo Chương trình trồng rừng 327 của Chính phủ.

"Theo Thông tư số 24/2009/TT-BNN ngày 5/5/2009 của Bộ NN& PTNT, diện tích rừng giao khoán dân trồng và chăm sóc, bảo vệ này được chuyển sang rừng sản xuất và được phép khai thác.Khi khai thác các hộ dân chỉ được nhận tiền bảo vệ rừng trung bình 300.000 đồng/ha/năm từ tiền bán gỗ khai thác của diện tích nhận khoán diện tích bảo vệ. Vì vậy, việc chúng tôi chi trả cho người dân tại thời điểm này là hoàn toàn đúng, ông Bình khẳng định.

Ông Bình cũng cho biết thêm, sở dĩ người dân nhận được số tiền 300.000 đồng/ha/năm và 20% sản lượng khai thác gỗ là do công ty đã xin UNBD huyện cho hưởng bổ sung và áp dụng Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ (về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của các hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp).Trả lời câu hỏi tại sao hợp đồng khoán đất, khoán rừng công ty và các hộ dân được ký 30 năm (đến năm 2026 mới hết hạn), mà chỉ có 10 năm công ty đã yêu cầu thanh lý trong khi các hộ không hề có nhu cầu thanh lý, ông Bình giải thích rằng, thời điểm năm 2006, khi ông về nhận công tác đã thực hiện theo Nghị định số 200/NĐ- CP ngày 3/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh. Chính vì vậy, công ty đã phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn với các hộ dân.

Quy định một đằng, thực hiện một nẻo

Căn cứ vào thông tin mà người dân phản ánh và trả lời của ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm trường Mai Sơn, PV Báo Giao thông đã trao đổi với các cơ quan chức năng và tìm hiểu các văn bản liên quan thì thấy trong vụ việc kể trên có nhiều điều khuất nhất.

Cụ thể, việc Lâm trường Mai Sơn vận dụng các quy định Thông tư 24 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng được quy hoạch chuyển sang rừng sản xuất và ngược lại chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đặc dụng sau rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chuyển đổi và chi trả cho người dân được giao đất trồng rừng là không đúng. Bởi đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư 24 "là chủ rừng có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, hoặc rừng sản xuất" ở đây là những người đã trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng chứ không phải là Lâm trường Mai Sơn.

Hơn thế, việc Lâm trường Mai Sơn áp dụng chính sách chi trả công trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng cho người dân theo tinh thần Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ để trả thêm cho người dân 20% sản lượng gỗ khai thác cũng là hoàn toàn sai tinh thần của Quyết định này. Tại Điều 15, Mục 6, Quyết định trên có nêu rõ “Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở vùng phòng hộ đầu nguồn, giá trị khai thác sản phẩm sau khi nộp thuế được phân chia theo tỷ lệ như sau: Nếu hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để trồng, chăm sóc bảo vệ rừng thì được hưởng từ 80-90%, phần còn lại nộp Bên giao khoán”.

Theo quy định trên, rõ ràng các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng tại thôn Quản Hái Hồ, xã Vô Tranh, Lục Nam phải được hưởng từ 80-90% chứ không phải là 20% như công ty đã chi trả.

Trả lời câu hỏi của PV vì sao lại áp dụng chi trả số tiền khai thác gỗ cho dân chỉ là 20% mà không phải 80-90% như Điều 15 của Quyết định 178/2001/QĐ-TTg, ông Nguyễn Văn Bình vẫn một mực khẳng định mình không làm sai. “Tôi đã làm đúng nội dung của Thông tư số 24/2009/TT-BNN, còn về nội dung Quyết định 178, chúng tôi chỉ linh động cho dân theo nguyện vọng của các hộ lúc bấy giờ chứ đáng lẽ dân không được hưởng quyền lợi trên”, ông Bình khẳng định. Báo Giao thông còn tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ở vùng phòng hộ đầu nguồn:

1. Được Nhà nước cấp kinh phí để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng theo quy định hiện hành.

2. Được sử dụng cây nông nghiệp lâu năm làm cây trồng chính rừng phòng hộ hoặc trồng xen với cây rừng bản địa lâu năm theo thiết kế trồng rừng do Bên giao khoán lập, Sở NN&PTNT phê duyệt.

3. Được hưởng 100% sản phẩm khai thác từ cây phụ trợ, cây trồng xen, sản phẩm tỉa thưa, nhưng phải đảm bảo độ tàn che của rừng trên 0,6 sau khi tỉa thưa.

4. Được thu hái lâmsản phụ, hoa, quả, dầu, nhựa..., theo hướng dẫn của Bên giao khoán.

5. Được sử dụng tối đa không quá 20% diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng để sản xuất nông nghiệp vàngư nghiệp theo sự hướng dẫn của Bên giao khoán.

6. Được khai thác chọn khi cây trồng chính của rừng được phép khai thác với cường độ không quá 20% theo thiết kế do Bên giao khoán lập, Sở NN&PTNT thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt và cấp giấy phép khai thác.Giá trị sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế được phân chia theo tỷ lệ như sau:

a. Nếu hộ gia đình, cá nhân nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thì được hưởng từ 80 - 90%, phần còn lại nộp Bên giao khoán.

b. Nếu hộ gia đình, cá nhân nhận khoán tự đầu tư trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng thì được hưởng 100% giá trị sản phẩm sau khi nộp thuế.

c. Hộ gia đình, cá nhân nhận khoán phải tự đầu tư tái tạo rừng trong vòng 1 năm sau khi khai thác.

(Điều 15, Quyết định 178/2001/QĐ-TTgngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ)

Huy Tuấn - Hữu Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/bac-giang-dan-to-lam-truong-cuop-rung-d146540.html