Bắc Giang: Doanh thu từ vải sớm cao kỷ lục từ trước đến nay

Năm nay tổng sản lượng vải sớm của huyện đạt khoảng 15.000 tấn, với giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, doanh thu từ vải sớm đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm ngoái.

Sơ chế vải sớm trước khi xuất bán. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Sơ chế vải sớm trước khi xuất bán. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Ngô Quốc Hưng cho biết thời điểm này vải sớm Tân Yên đã thu hoạch xong.

Năm nay tổng sản lượng vải sớm của huyện đạt khoảng 15.000 tấn, với giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg, doanh thu từ vải sớm đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm ngoái. Đây là doanh thu cao kỷ lục từ trước đến nay, đem lại niềm vui lớn cho người trồng vải.

Năm nay, vải sớm Tân Yên được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong và ngoài nước. Trong số gần 15.000 tấn đã tiêu thụ thì có gần 11.000 tấn xuất khẩu đi các thị trường (chiếm trên 73% sản lượng), trong đó xuất khẩu chủ yếu đi thị trường Trung Quốc khoảng 9.000 tấn; các thị trường “khó tính” như Australia, Nhật Bản, Hoa Kỳ... khoảng 2.000 tấn; còn khoảng 4.000 tấn tiêu thụ thị trường nội địa (chiếm khoảng 27% sản lượng).

Giá bán vải sớm Tân Yên năm nay ổn định từ đầu đến cuối vụ; tăng từ 15-20% so với năm ngoái, với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg, đặc biệt có khoảng 2/3 sản lượng vải sớm được tiêu thụ với giá cao từ 55.000-70.000 đồng/kg.

Có được kết quả như năm nay, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Yên Ngô Quốc Hưng, đó là do thời gian qua vải sớm Tân Yên đã khẳng định được chất lượng vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sử dụng.

Đặc biệt, ngay từ đầu vụ năm 2024, Ủy ban Nhân dân huyện Tân Yên đã quan tâm chỉ đạo nhất quán và xuyên suốt từ chính quyền đến người trồng vải thiều lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc làm chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

Các cơ quan chuyên môn làm tốt quản lý giám sát quy trình sản xuất vải đạt tiêu chuẩn chất lượng; thực hiện đăng ký cấp, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với các thị trường xuất khẩu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quản lý nhãn hiệu, đảm bảo quy trình sản xuất... tạo ra sản phẩm quả vải chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng.

Cùng đó, việc kết nối tiêu thụ vải thiều được thực hiện sớm, phân định rõ vùng trồng gắn với kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu vải của từng doanh nghiệp và phân khúc thị trường. Huyện chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các tổ chức liên quan làm tốt dự báo thị trường tiêu thụ, chuẩn bị phương án tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong và ngoài nước; ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải với phương châm mở rộng tại tất cả các thị trường trong nước, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam; đồng thời tiếp tục phát triển tiêu thụ tại thị trường truyền thống Trung Quốc và mở rộng thị trường sang Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan,...

Huyện chủ động tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, một số tập đoàn, chuỗi siêu thị trong nước nắm tình hình thị trường tiêu thụ vải thiều năm 2024, đồng thời bàn một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thương nhân vào địa bàn tiêu thụ vải thiều cho nông dân.

 Vườn vải sớm xuất khẩu có giá bán từ 55.000-70.000 đồng/kg. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Vườn vải sớm xuất khẩu có giá bán từ 55.000-70.000 đồng/kg. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Huyện Tân Yên là thủ phủ vải sớm của Bắc Giang. Năm 2024, diện tích vải sớm Tân Yên là 1.250ha; trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm 900ha; duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 455 ha (duy trì 415ha, mở rộng 40ha). Huyện xây dựng mới 2 vùng sản xuất vải thiều sớm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 21,6ha, gồm vùng 10 ha tại thôn Quất Du 2, vùng 11,6 ha tại thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa để phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU.

Toàn huyện có 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu, gồm 17 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 856 ha, sản lượng 10.200 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với diện tích 25ha, sản lượng 300 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang Australia, diện tích 22ha, sản lượng 260 tấn; 2 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, diện tích 21,4ha, sản lượng 250 tấn; 3 mã vùng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, diện tích 42ha, sản lượng 500 tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bac-giang-doanh-thu-tu-vai-som-cao-ky-luc-tu-truoc-den-nay-post960134.vnp