Cô gái Hà Giang 'bén duyên' với cây chè đất Thái

Mặc dù sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Giang - vùng đất địa đầu của Tổ quốc, song chị Trần Thị Huế (sinh năm 1990) lại 'bén duyên' với cây chè Thái Nguyên, bởi mảnh đất và con người nơi đây đã giúp chị có những trải nghiệm, nhiệt huyết để thêm yêu và gắn bó với cây chè.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, năm 2013, chị Huế được nhận vào công tác tại Trường THPT Dân tộc bán trú Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Đến năm 2014, chị nên duyên vợ chồng với anh Trịnh Văn Ngọc (sinh năm 1987), quê ở xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ. Sau đó, chị về quê chồng để sinh sống và làm việc.

Nhận thấy vùng đất Đại Từ có diện tích chè lớn, người dân nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến chè nên chị Huế đã lựa chọn phát triển kinh tế từ loại cây trồng này.

Lần đầu tiếp xúc với cây chè, chị Huế không khỏi bỡ ngỡ và lúng túng khi chưa biết phải hái sao cho đúng, chăm sóc thế nào để cây phát triển tốt. Vì thế trong một lần chị đã vãi phân trực tiếp lên ngọn cây khiến 8 sào chè bị táp hết lá, phải đốn hết phần mặt để chè lên lứa mới.

Tiếp đến là hơn 3.000m2 chè mới trồng của gia đình cũng bị "xót phân" mà chết, phải trồng lại toàn bộ. Hay trong quá trình sao chè, do bất cẩn, chị đã bị tay quay máy vò làm tím mặt... Tất cả những trải nghiệm này giúp chị Huế có những “bài học” đầu tiên, từ đó đúc rút kinh nghiệm để sản xuất và chế biến chè thành công như bây giờ.

Sau thời gian nỗ lực học hỏi, chị Huế dần thích nghi với cuộc sống, cách làm chè của người dân xã Hoàng Nông. Để có thêm kiến thức, chị tự tìm hiểu, nghiên cứu trên sách báo, mạng Internet, đăng ký tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGAP, hữu cơ… để tự mình chăm sóc, sản xuất ra những mẻ chè thơm ngon, chất lượng.

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm chè chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, năm 2016, chị Huế đã tìm hiểu, thử nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc trên diện tích chè của gia đình. Những lứa chè đầu tiên canh tác theo phương thức này đã mang lại kết quả tích cực: Cây chè có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt, khi uống có vị thơm dịu, giá bán cao hơn gấp 2 lần cách làm truyền thống…

Năm 2019, lần đầu tiên tham gia Hội thi “Bàn tay vàng chế biến chè” tại Lễ hội Trà do huyện Đại Từ tổ chức, chị Huế cùng với các thành viên đội thi Làng nghề chè truyền thống xóm Cầu Đá giành giải Nhất. Đây là niềm vui, là niềm cổ vũ và động lực để chị ngày càng thêm yêu và gắn bó với cây chè đất Thái.

Tháng 4-2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị Huế mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) chè Cầu Đá với 7 thành viên, quy mô 5ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chuyển dần sang hướng hữu cơ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật, trang bị hệ thống máy móc hiện đại, phục vụ việc sản xuất, chế biến chè. Hiện, HTX chè Cầu Đá có 5 tôn sao chè bằng ga, 50 máy vò chè, 3 máy hút chân không, 3 nhà xưởng diện tích gần 1.000m2… với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng.

Đến nay, một số sản phẩm của HTX được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận như: Trà móc câu An Ngọc (giá trung bình 250 nghìn đồng/kg); trà tôm nõn Thanh Hương (giá trung bình 500 nghìn đồng/kg); trà đinh Kim Dung (giá từ 2,2-5 triệu đồng/kg)…

Với vai trò Giám đốc HTX chè Cầu Đá, chị Trần Thị Huế luôn nỗ lực xây dựng và khẳng định thương hiệu bằng những sản phẩm chất lượng. Khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao, khách hàng có xu hướng tìm đến sản phẩm độc đáo và mang nét đặc trưng, chị Huế đã tìm hiểu và học cách chế biến trà ướp hoa sen, trà ướp hoa nhài.

Do cách chế biến khá cầu kỳ, đòi hỏi người làm chè phải có kinh nghiệm (từ cách chọn chè, chọn hoa sen, hoa nhài… đến thời gian ướp trà), nên giá bán của 2 loại trà này khá cao, dao động từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg đối với trà ướp hoa nhài và từ 2,5-5 triệu đồng/kg đối với trà ướp hoa sen. Trung bình mỗi tháng, HTX chè Cầu Đá sản xuất và bán ra thị trường 3-5 tạ chè hoa nhài, hoa sen. HTX đã đăng ký sản phẩm trà tôm nõn tham gia sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Để sản phẩm chè của HTX ngày càng vươn xa hơn, thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết hợp mô hình du lịch trải nghiệm; tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất, chế biến, nhằm nâng cao năng suất, giảm công lao động; xây dựng sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, được cấp có thẩm quyền công nhận nhằm tạo thương hiệu cho HTX…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202406/co-gai-ha-giang-ben-duyen-voi-cay-che-dat-thai-ddc190b/