Bắc Giang: Gắn phát triển vùng cây ăn quả với phát triển du lịch sinh thái
Năm nay cùng với việc tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng, UBND huyện Lục Ngạn đang tiến hành lựa chọn một số nhà vườn tiêu biểu để xây dựng điểm du lịch đón khách về tham quan, trải nghiệm.
Vốn là thủ phủ của quả vải thiều với diện tích 15.100 ha, trong những năm gần đây, huyện Lục Ngạn đã chuyển đổi, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cam, bưởi tập trung với gần 6.500ha, trong đó cam các loại hơn 4.000ha, bưởi gần 2.500ha, mỗi năm thu về trên dưới 1.000 tỷ đồng.
Sản lượng cây có múi trên địa bàn huyện Lục Ngạn ước đạt hơn 53.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm trước. Toàn huyện có hơn 1.000ha sản xuất theo quy trình VietGAP, nhiều vườn được chứng nhận theo tiêu chuẩn này. Cam Lục Ngạn chủ yếu có 3 loại gồm: cam đường canh, cam Vinh và cam V2. Cây cam được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon hơn so với ở miền xuôi. Ngày 26/6/2015, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể thương hiệu "Cam Lục Ngạn".
Du khách trải nghiệm tour du lịch thăm quan các nhà vườn. Ảnh: K.N
Với mong muốn quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu tài nguyên, tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt của huyện gắn trải nghiệm thực tế tại vườn cây ăn quả với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Năm nay, Lục Ngạn đã kết nối với các doanh nghiệp du lịch lữ hành xây dựng 6 điểm du lịch, với 25 nhà vườn tại các xã: Nam Dương, Tân Mộc, Quý Sơn, Hồng Giang, Thanh Hải và Tân Quang để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm mùa cam, bưởi. Bên cạnh tham quan trải nghiệm tại các điểm vườn, các tour, tuyến được gắn kết với điểm du lịch văn hóa tâm linh, như: Chùa Am Vãi xã Nam Dương, Đình Sàng Bến, xã Tân Quang- nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ II; tham quan di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Hả; làng nghề mỳ gạo Chũ và làng nghề sinh vật cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải. Đáng chú ý, những nhà vườn tham gia trong chương trình du lịch trên đều được huyện Lục Ngạn chọn lựa kỹ, dựa trên các tiêu chí: tập trung, cây đẹp, quả sai, sản phẩm ngon, sạch đạt tiêu chuẩn VIETGAP, mẫu mã hấp dẫn, giao thông thuận lợi, cảnh quan, môi trường sạch sẽ và các điều kiện cần thiết khác để đón khách du lịch.
Theo đó, các điểm du lịch được hình thành, tạo điều kiện cho các công ty du lịch lữ hành xây dựng các tuor, tuyến du lịch để đưa vào khai thác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân giới thiệu sản phẩm, ký kết các hợp đồng mua bán sản phẩm. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tập trung xây dựng các điểm du lịch ấn tượng, đặc sắc, thu hút được khách du lịch đến trải nghiệm và tham quan thực tế tại các nhà vườn.Lựa chọn các nhà vườn cây ăn quả có đủ tiêu chuẩn để đón khách, ưu tiên lựa chọn các nhà vườn có diện tích lớn, có đủ loại cây có múi như cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt… cảnh quan đẹp, thuận lợi về giao thông, có đủ cơ sở vật chất đảm bảo đón khách du lịch, kể cả khách du lịch nghỉ qua đêm. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Từ một vùng quê khó khăn, nhưng nhờ chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp kết hợp với phát huy thế mạnh khí hậu, thổ nhưỡng và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời sự cần cù chịu khó, sáng tạo của người dân, huyện Lục Ngạn đã vươn lên trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước, mang lại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thời điểm này, mùa quả ngọt đã tới, mùa “Đất lên hương”, mùa đón chào du khách muôn phương…/.