Bắc Giang: Hơn 23 nghìn cán bộ, đảng viên dự hội nghị trực tuyến quán triệt 2 nghị quyết
Ngày 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 37 nghìn điểm cầu trong cả nước với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Lương Cường, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Dự tại điểm cầu trung tâm tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Hương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên; lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; báo cáo viên cấp tỉnh...
Tại điểm cầu thành phố Bắc Giang, đến dự có các đồng chí: Đào Xuân Cần, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Linh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong tỉnh có 207 điểm cầu trực tuyến, với 23.353 cán bộ, đảng viên tham dự.
Quán triệt các nội dung cốt lõi, điểm mới
Tại hội nghị, các đại biểu nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết".
Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết: Điểm nổi bật của Nghị quyết số 68 trước hết là thay đổi trong quan điểm và nhận thức về vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu như trước đây, chúng ta xác định khu vực kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế, sau đó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế thì nay Nghị quyết số 68 đã có một bước tiến quan trọng khi khẳng định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Trong Nghị quyết số 68, Bộ Chính trị đã khẳng định doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh, được hưởng sự bình đẳng trong môi trường cạnh tranh. Doanh nghiệp tư nhân là đối tác để cùng với Nhà nước tham gia kiến tạo, phát triển đất nước.
Nghị quyết đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện, đó là: Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu...
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin chuyên đề "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi trong Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết".
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho biết: Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết số 66 là xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo lập môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế.
Theo đó, Nghị quyết đã quy định nhiều cơ chế đột phá, trong đó có tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Việc này không chỉ giúp pháp luật sát thực tiễn hơn mà còn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thi hành.
Nghị quyết đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo...

Các đại biểu theo dõi hội nghị trực tuyến.
Tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm
Kết luận hội nghị, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh: Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị số quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết số 68, Nghị quyết 66) là tư duy phát triển mới: Từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025-2030), đồng chí Tô Lâm đề nghị phải hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển. Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tích cực tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.
Đồng chí Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong năm 2025, đó là:
Nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ.
Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết số 66.
Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox (một công nghệ quan trọng để tăng cường tính bảo mật).
Tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại thế hệ mới: Chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới như Hiệp định đối tác kinh tế số (DEPA), khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương (IPEF); tận dụng cam kết hội nhập để chuyển hóa thành tăng trưởng thực tế.
Thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn.
Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết: Thành lập các ban chỉ đạo chuyên trách cấp Trung ương và cấp tỉnh; bảo đảm cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết: Đào tạo chuyên sâu về pháp luật hiện đại, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và quản trị doanh nghiệp; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có tư duy đổi mới, năng lực số và khả năng thích ứng toàn cầu.
Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội: Xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia về từng nghị quyết; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và giới trí thức, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân, làm cho Nhân dân có đời sống ngày một tốt hơn.
Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.