Bắc Giang in dấu chân Người
Trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm, làm việc với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang. Mỗi địa danh, nơi Người đặt chân đến đều đọng lại những kỷ niệm đáng nhớ. Việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích Bác Hồ về thăm có giá trị, ý nghĩa sâu sắc.
Tôn tạo các di tích
Theo tổng hợp các nguồn tư liệu, tài liệu đã được nghiên cứu, công bố, Bác Hồ từng về thăm thị xã Phủ Lạng Thương (5/1946); thăm cầu Phủ Lạng Thương (1/1955); Bác thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (2/1955); thăm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, gặp mặt nhân dân tại sân vận động thị xã Bắc Giang và đi thăm Hợp tác xã Tân An, huyện Yên Dũng (4/1961). Bác còn về thăm Bắc Giang nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (10/1963).
Liên quan đến những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang, nhiều di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, như: Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An, địa điểm Làng chiến đấu Long Trì (Yên Dũng); di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên (Hiệp Hòa); khán đài B (A cũ) sân vận động thị xã Bắc Giang. Cùng đó, Địa điểm cầu Sông Thương - nơi ghi dấu hình ảnh Bác Hồ về thăm cầu Phủ Lạng Thương (nay là cầu Sông Thương) được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra một số địa điểm di tích chưa xếp hạng gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang tại TP Bắc Giang như Trường Trung học Hoàng Hoa Thám (nay là Trường THPT Ngô Sĩ Liên), nhà thương Bản Xứ (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang), Trụ sở tòa Công sứ (Trường Chính trị tỉnh cũ)…
Để bảo vệ, phát huy giá trị di tích đã được công nhận; thời gian qua, các địa phương đã thành lập ban quản lý di tích cơ sở, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng kế hoạch bảo vệ, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích. Đến nay có 5 di tích và địa điểm sau khi xếp hạng đã thành lập ban quản lý di tích theo quy định của nhà nước. Bên cạnh đó, các di tích đã được cắm mốc giới, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ. Công tác tu bổ di tích được các địa phương quan tâm đầu tư, tạo thành những điểm di tích tiêu biểu về nguồn.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện có di tích Bác Hồ về thăm phối hợp biên soạn một số sách, giáo trình lịch sử địa phương, trong đó có các điểm di tích này để đưa vào giảng dạy trong trường học. Một số điểm di tích làm tốt công tác tuyên truyền trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ như: Điểm di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An, Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên, nơi thu hút rất nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu.
Ông Chu Văn Nghiên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Tân An cho biết: Cấp ủy, chính quyền thị trấn phối hợp với Trường THPT Yên Dũng số 2 thường xuyên vệ sinh, trồng hoa, cây xanh, làm đẹp cảnh quan di tích Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An. Các sự kiện như: Kết nạp Đoàn, Đội, lễ ra quân, báo công dâng Bác của Đoàn thanh niên được tổ chức tại đây. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, đoàn khách thường xuyên đến đây tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử di tích.
Tạo điểm nhấn đặc biệt
Là địa phương vinh dự được nhiều lần đón Bác Hồ về thăm, những năm qua, công tác bảo vệ, tôn tạo di tích được TP Bắc Giang quan tâm, đặc biệt là di tích khán đài B (A cũ) - nơi Bác Hồ 2 lần nói chuyện với nhân dân tỉnh Bắc Giang năm 1961, tỉnh Hà Bắc năm 1963, được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993.
Từ năm 2009, TP đầu tư kinh phí cải tạo mặt trước khán đài B, phòng trưng bày, hệ thống sân vườn, sưu tầm hiện vật, kỷ vật, hình ảnh Bác Hồ với nhân dân Bắc Giang. Tuy nhiên, hiện nay các hạng mục tại di tích đã xuống cấp, chưa xứng tầm với ý nghĩa và giá trị lịch sử của di tích cấp quốc gia. Trên cơ sở đề xuất của UBND TP Bắc Giang, tháng 6/2022, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang có ý kiến về chủ trương tu bổ di tích, coi đây là việc làm hết sức cần thiết nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ. Theo đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiên cứu chuẩn bị các phương án tu bổ.
Tháng 2/2023, UBND TP Bắc Giang yêu cầu đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất lộ trình đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Bắc Giang cho biết: Đơn vị đã lập hồ sơ phương án thiết kế sơ bộ với 2 phương án tu bổ, tôn tạo đang trình cấp thẩm quyền xem xét.
Tại di tích lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên (Hiệp Hòa), năm 2019, UBND huyện đã dành hơn 3 tỷ đồng xây dựng, cải tạo khu di tích, như: Nơi tiếp đón, sân, cổng, đường vào, hệ thống đèn chiếu sáng, thoát nước. Năm 2021, di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Mới đây, UBND huyện đề xuất bổ sung quy hoạch mở rộng thêm 3 ha (diện tích hiện tại khoảng 4.000m2), gắn với khu du lịch tâm linh-sinh thái ở bãi ven sông thuộc địa bàn thôn Cẩm Xuyên tổng diện tích hơn 10 ha. UBND huyện giao các đơn vị chuyên môn phối hợp lập quy hoạch thiết kế để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng
Tháng 3/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) - cơ quan chủ trì đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Bảo tồn phát huy giá trị các địa điểm di tích những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang". Đề tài được hội đồng khoa học xếp loại xuất sắc. Trên cơ sở nghiên cứu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học gắn với di sản tư tưởng Hồ Chí Minh tại những địa điểm Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang, nhiều giải pháp về bảo tồn, phát huy giá trị các địa điểm di tích được đề xuất, như: Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử; chú trọng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tiếp tục nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng địa điểm di tích nơi Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang; sưu tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật.
Di tích địa điểm những lần Bác Hồ về về thăm tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, tình cảm sâu nặng của Bác Hồ dành cho Bắc Giang cũng như tình cảm, sự kính trọng của nhân dân Bắc Giang đối với Bác. Việc xây dựng, tu bổ di tích lịch sử nơi Bác Hồ về thăm còn tạo điểm nhấn trong hành trình về nguồn, gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Đối với các di tích đã được xếp hạng quốc gia, giai đoạn 2023-2030, Sở VHTTDL tham mưu lập dự án tu bổ, tôn tạo. Đối với di tích Địa điểm cầu Sông Thương - di tích lịch sử cấp tỉnh, Sở hướng dẫn địa phương nơi có di tích tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia trong năm 2023. Theo lộ trình tại Kế hoạch số 5739/KH-UBND, ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc xếp hạng, nâng hạng di tích những địa điểm Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang, đến năm 2025, sẽ lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt các địa điểm di tích những lần Bác Hồ về thăm tỉnh Bắc Giang đối với 5 địa điểm di tích tiêu biểu đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Đối với các địa điểm di tích chưa được xếp hạng, Sở sẽ chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, hiện vật, xác định rõ vị trí, dựng bia ghi dấu sự kiện, lập bản đồ khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích khi có đủ điều kiện theo quy định.
Bài, ảnh: Công Doanh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/404917/bac-giang-in-dau-chan-nguoi.html