Bắc Giang kết nối tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều của mùa vụ 2022

Sáng 25/5, Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2022.

Vải thiều Bắc Giang vào vụ (Ảnh do Sở TTTT tỉnh Bắc Giang cung cấp tại hội nghị)

Vải thiều Bắc Giang vào vụ (Ảnh do Sở TTTT tỉnh Bắc Giang cung cấp tại hội nghị)

Hội nghị có quy mô quốc tế này được triển khai bằng điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và 08 điểm cầu tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Australia, UAE. Đầu cầu Lâm Đồng có sự tham gia của ông Bùi Thế - Phó GĐ Sở Công Thương cùng đại diện của các hệ thống bán lẻ có thương hiệu đóng chân trên địa bàn, các chợ đầu mối, chợ Đà Lạt và các hộ kinh doanh trái cây lớn trong tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang: Địa phương này là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích gần 50.000 ha. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, với nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến, tiêu biểu là vải thiều. Vải thiều Bắc Giang có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội. Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước... Năm 2022, Bắc Giang có 28.100 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5-20/7/2022 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6).

Hiện tại, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Bắt đầu từ tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời, là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Tại hội nghị xúc tiến lần này, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại Trung Quốc tại Việt Nam và Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cùng chính quyền và các cơ quan chức năng thị xã Bằng Tường, huyện Hà Khẩu - Trung Quốc phát huy truyền thống quan hệ thương mại tốt đẹp với tỉnh Bắc Giang trong những năm qua, tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các daonh nghiệp, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang. UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Australia, UAE, Singapore tiếp tục hỗ trợ, nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường để quả vải thiều Bắc Giang có thể sớm tăng sản lượng xuất khẩu. Tỉnh này cũng mong muốn UBND các tỉnh, thành phố trong toàn quốc hỗ trợ tối đa về mặt quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện thông thương, để các phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông, qua đó giúp cho quả vải thiều có được điều kiện thuận lợi nhất để đến với các thị trường.

Dù là vùng trồng vải có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng với cách thức quản lý chặt chẽ, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, sự kết nối và đảm bảo đầu ra an toàn của chính quyền địa phương, trong những năm gần đây người nông dân trồng vải Bắc Giang chưa bao giờ bị rơi vào cảnh được mùa mất giá và ngược lại. Kể cả vào những giai đoạn khó khăn nhất của mùa dịch năm 2021, vải thiều Bắc Giang vẫn có mặt không những ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Đây cũng được xem như một bài học kinh nghiệm quý giá cho những tỉnh có diện tích và sản lượng cây ăn trái nhiều như Lâm Đồng tiếp thu và học hỏi.

LINH ĐAN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202205/bac-giang-ket-noi-tieu-thu-180000-tan-vai-thieu-cua-mua-vu-2022-3117781/