Bắc Giang: Làm giàu từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Niều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang mang lại hiệu quả vượt trội cho nông dân Bắc Giang.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả vượt trội.
Phát huy thành tựu, Bắc Giang đang tiếp tục phát triển các mô hình nhằm hình thành một nền nông nghiệp công nghệ cao.
Đam mê với nông nghiệp, quyết tâm làm giầu trên mảnh đất quê hương, anh Ngô Văn Chức, ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang luôn mày mò tìm hướng đi riêng cho mình.
Trong những lần đi học tập kinh nghiệm ở các mô hình nông nghiệp trong và ngoài tỉnh, anh nhận thấy sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao là hướng đi mới mẻ, đem lại thu nhập cao nếu thành công.
Ấp ủ nhiều năm, năm 2017 anh Chức quyết tâm đầu tư 700 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng để sản xuất rau màu chất lượng cao; trong đó, anh được Dự án hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Giang hỗ trợ 300 triệu đồng, UBND huyện Lục Nam hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng nhà màng, nhà lưới.
Hiện, mô hình của anh gồm nhà màng có diện tích 1.500 m2, hệ thống tưới tự động, các thiết bị điều khiển ánh sáng, nhiệt độ, triển khai trồng các loại rau quả trái vụ như măng tây, dưa lưới, cà chua, dưa chuột, một số loại rau giống mới.
Nhờ cần cù, chịu khó, cùng với thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất, ngay vụ đầu, mô hình của anh đã thành công.
Anh Chức cho biết: “Ưu điểm của nhà màng là cây trồng sạch bệnh, không có sâu nên không phải phun thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt với hệ thống nhà màng, nhà lưới có thể điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ để trồng các loại cây màu trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Vụ dưa chuột vừa qua anh thu khoảng 1,2 tấn dưa/sào, giá bán 15.000 – 20.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng/sào, gấp 3 - 4 lần so với dưa chuột chính vụ.
Cà chua bi thu hoạch trong 6 tháng, gấp đôi so với trước, năng suất đạt 4 tấn/sào, doanh thu khoảng 40 triệu đồng/sào.
Ước tính năm đầu tiên anh Chức thu nhập hơn 100 triệu đồng từ mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới. Với kết quả này anh tự tin sau hơn 2 năm sẽ thu hồi được vốn.
Tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Trần Xuân Đăng, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang luôn mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng.
Ấp ủ nhiều năm, sau thời gian đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương trong cả nước, đầu năm 2017, anh vận động người thân thành lập
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà màng áp dụng công nghệ Israel, với quy mô gần 2.200 m2.
Hợp tác xã đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt nhà màng một mái hở, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động và một loạt hệ thống điều khiển tự động gồm: cáp treo dây, thiết bị đo nước, hẹn giờ, đo áp suất, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng.
Anh Đăng cho biết, toàn bộ quy trình sản xuất đều áp dụng theo công nghệ của Israel, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ưu điểm của trồng dưa trong nhà màng giúp kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng như thời tiết, sâu bệnh, do đó có thể sản xuất được 3 vụ/năm, sản xuất trái vụ, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp 3 - 4 lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Sản phẩm lại đạt chất lượng để xuất khẩu.
Với sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, tham khảo và điều chỉnh kết hợp nhiều phương pháp, vụ đầu tiên sau hơn 2 tháng trồng 5.000 cây dưa leo và dưa lưới, Hợp tác xã đã thu hoạch hơn đạt 25 tấn dưa, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Hợp tác xã còn trồng 1.000 gốc cà chua bi và dâu tây. Sau thành công vụ đầu tiên, đến nay hợp tác xã đã sản xuất được năm vụ, chất lượng sản phẩm và doanh thu ổn định.
Ước tính, mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Sản phẩm của hợp tác xã được các siêu thị, nhà hàng đặt mua nên đầu ra rất thuận lợi.
“Thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa trồng trong nhà màng rất thuận lợi, số lượng sản phẩm làm ra chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Theo tính toán, với giá bán hiện nay là 15.000 đồng/kg dưa leo và 35.000 đồng/kg dưa lưới thì người nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu”, anh Đăng hồ hởi chia sẻ.
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được gần 50 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Riêng năm 2018, toàn tỉnh xây dựng 26 mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Các mô hình chủ yếu trồng rau màu, hoa chất lượng cao, dưa, quy mô từ 1.500 m2 – 5.000 m2.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đều đang phát huy hiệu quả cả về kinh tế và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất.
Thu nhập bình quân đạt 300 triệu đồng/mô hình/năm, lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so với sản xuất thông thường.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, người nông dân đã giảm thiểu rủi ro trước những tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh hại, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm so với cách làm thông thường.
Đặc biệt, có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại cũng có thị trường ổn định và được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng.
Tỉnh Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 hình thành và phát triển 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo đó, 7 vùng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 710 ha; 1 vùng hoa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 50 ha tại thành phố Bắc Giang; 1 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300 ha tại huyện Yên Thế; 2 vùng vải thiều ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha tại huyện Lục Ngạn, Tân Yên; 2 vùng chăn nuôi lợn, 2 vùng nuôi gà, 1 vùng nấm, 1 vùng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Bắc Giang cũng đang thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, tỉnh hỗ trợ từ 300 - 500 triệu đồng đối với mỗi hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình đầu tư mô hình sản xuất rau và hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, quy mô từ 2.000 m2 đến 5.000 m2 trở lên.
Thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả; thu hút, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về mặt bằng, vốn.
Đồng thời, ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng các phương án xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tăng cường liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để bảo đảm đầu ra cho nông dân yên tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bac-giang-lam-giau-tu-cac-mo-hinh-nong-nghiep-cong-nghe-cao/109094.html