Bắc Giang: Nâng chất lượng thể thao học đường
Nhằm góp phần nâng cao thể chất cho học sinh, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không chỉ chú trọng việc dạy học các môn văn hóa mà đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động thể dục, thể thao. Với những hoạt động phong phú, thiết thực, các bộ môn thể thao đã trở thành niềm đam mê của nhiều học sinh.
Rèn luyện theo sở thích
Cuối tháng 3, tại sân bóng đá của Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) diễn ra trận chung kết giải bóng đá nam tiểu học trong khuôn khổ Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bắc Giang năm 2021 giữa đội Lạng Giang và đội Lục Nam. Dù chỉ là trận đấu ở lứa tuổi tiểu học nhưng các em đã cống hiến cho khán giả những pha bóng hay. Nhờ bản lĩnh và một chút may mắn, đội Lạng Giang đã lên ngôi vô địch.
Em Bùi Huy Trường, lớp 5A Trường Tiểu học Hương Lạc (Lạng Giang), thủ môn đội Lạng Giang chia sẻ: “Ngay từ khi còn học mẫu giáo, theo bố đi xem các trận bóng đá ở thôn em đã rất thích. Sau đó, em cũng thường theo các anh, bạn trong thôn đi đá bóng. Khoảng 2 năm nay, khi trường thành lập CLB Bóng đá, em đã tham gia luyện tập. Giải lần này, em được chọn đi thi đấu cấp tỉnh và cùng cả đội đã giành chức vô địch. Vì rất thích môn này nên thời gian tới em tiếp tục tham gia”.
Không chỉ ở Trường Tiểu học Hương Lạc, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức các CLB thể dục thể thao theo sở thích để thu hút học sinh. Chị Đoàn Thị Tình, thôn Quê, xã Bảo Đài (Lục Nam) cho hay: “Con trai tôi là thành viên CLB Bóng rổ của Trường THPT Phương Sơn và hằng tuần đều dành ít nhất 2 buổi để tập luyện cùng các bạn. Tôi ủng hộ việc cháu tập luyện tại các CLB thể thao ở trường bởi qua đó giúp cháu tăng cường sức khỏe, thể lực, hạn chế chơi điện tử, có tâm lý thoải mái trong học tập”.
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, toàn tỉnh có gần 2 nghìn câu lạc bộ thể thao trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, môn thể thao được nhiều em học sinh ưa thích là: Bóng đá, bóng rổ, đẩy gậy, võ cổ truyền… Đặc biệt, mấy năm gần đây, môn bơi được các nhà trường quan tâm và nhiều học sinh lựa chọn tham gia tập luyện.
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến nay, toàn tỉnh có gần 2 nghìn câu lạc bộ thể thao trong các cơ sở giáo dục. Trong đó môn thể thao được nhiều học sinh ưa thích là: Bóng đá, bóng rổ, đẩy gậy, võ cổ truyền… Đặc biệt, mấy năm gần đây, môn bơi được các nhà trường quan tâm và nhiều học sinh lựa chọn tham gia tập luyện. Điển hình như tại huyện Lục Nam, từ năm 2017, đơn vị xây dựng đề án phổ cập dạy bơi cho học sinh. Thực hiện đề án, đến nay, toàn huyện có 38 bể bơi trong trường học (đạt tỷ lệ 100% ở trường tiểu học và trường có 2 cấp học) phục vụ nhu cầu học bơi, tập bơi của học sinh. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh tiểu học biết bơi ở huyện Lục Nam hiện đạt 71,36%.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Bám sát chủ trương của cấp trên về phát triển giáo dục thể chất và thể thao học đường, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tập luyện của học sinh.
Đơn cử như năm học 2020-2021, qua kiểm tra của Sở GD&ĐT, hầu hết các cơ sở giáo dục đã xây dựng chương trình giáo dục thể chất theo hướng dẫn của Bộ; nội dung chú trọng trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng vận động, nâng cao thể lực, hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên trong mỗi học sinh. Hiện toàn tỉnh có 118 bể bơi cố định và lắp ghép, 53 nhà đa năng, hơn 500 sân tập các loại...
Đối với môn thể thao tự chọn, trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhiều trường đưa môn thể thao phù hợp vào giảng dạy. Tại Trường THPT Lục Nam, THPT Yên Dũng số 2 tổ chức dạy võ cổ truyền, vovinam; các trường THCS: Trần Phú, Ngô Sĩ Liên, Tân Mỹ, Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) tổ chức dạy bóng rổ...
Các nhà trường khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy, bảo đảm mục tiêu giáo dục nhân cách, rèn luyện kỹ năng, thể lực cho học sinh. Về hoạt động thể thao, các nhà trường thành lập các CLB thể thao; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, trọng tài cho cán bộ, giáo viên, cán bộ phụ trách công tác giáo dục thể chất và thể thao học đường.
Bên cạnh việc dạy, tập luyện thể thao, các trường còn thường xuyên tổ chức giải thi đấu vào những ngày lễ như dịp 26/3, 20/11. Sở GD&ĐT tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các giải thi đấu thể thao để đáp ứng nhu cầu giao lưu, học hỏi giữa cán bộ, giáo viên và học sinh. Điển hình như Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bắc Giang lần thứ X vừa qua đã thu hút gần 5 nghìn VĐV, HLV tham dự ở 11 môn thi đấu gồm: Đá cầu, cầu lông, điền kinh, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, thể dục Aerobic, cờ vua, đẩy gậy, bơi lội.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Thị Hường, thời gian tới, Sở chỉ đạo các trường, đơn vị tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thi đấu thể dục thể thao; phát triển các loại hình CLB, các nhóm thể thao học sinh trong các nhà trường với mục tiêu mỗi học sinh tập luyện thành thạo một môn thể thao; đổi mới kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác giáo dục thể chất đối với từng cấp học và trình độ đào tạo, trong đó chú trọng đánh giá về kỹ năng, năng lực vận động, thái độ, thói quen tập thể dục, thể thao ở trong và ngoài trường của học sinh.
Sở GD&ĐT cũng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức những giải thể thao, từ đó phát hiện và bồi dưỡng tài năng; làm tốt công tác dạy bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh… Đưa công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bài, ảnh: Việt Anh