Bắc Giang: Những cây cầu tạo động lực phát triển

Những ngày này, trong tỉnh Bắc Giang có nhiều cây cầu đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác. Đây đều là các công trình trọng điểm dự kiến hoàn thành trong năm nay và năm tới, qua đó tăng tính kết nối giữa Bắc Giang với các tỉnh, khu vực lân cận.

 Công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2 được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh Hải Minh

Công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2 được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh Hải Minh

Khắc phục khó khăn, tăng tốc thi công

Mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt song những ngày này, trên công trường xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với Khu công nghiệp (KCN) Yên Phong và quốc lộ (QL) 18 (Bắc Ninh), không khí lao động vẫn khẩn trương. Để bảo đảm tiến độ đề ra, các nhà thầu huy động gần 100 công nhân, chia làm 4 mũi thi công, làm 3 ca/ngày và tăng số lượng lao động làm việc vào thời điểm có điện lưới. Đồng thời thuê thêm máy phát điện phục vụ thi công các hạng mục trong trường hợp cắt điện.

Được biết, dự án xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2 nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với KCN Yên Phong và QL18 có điểm đầu tại xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa), nối tuyến nhánh của đường vành đai IV với điểm cuối tại xã Đông Phong, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Cầu có chiều dài 490 m, rộng 16 m; đường dài hơn 1,5 km; nền rộng 12 m, mặt đường 11 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 358 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và tỉnh, được triển khai trong giai đoạn 2021- 2024.

Ông Hoàng Thế Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh, đại diện chủ đầu tư cho biết: "Những ngày này, đơn vị tập trung cao đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hợp long cầu vào tháng 7 năm nay, hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 9". Cầu hoàn thành hứa hẹn sẽ khơi thông vùng kinh tế công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với tỉnh Bắc Ninh; mở ra hướng kết nối các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa của tỉnh với huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Toàn tỉnh hiện có 5 cây cầu quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; tổng kinh phí xây dựng hơn 3,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, địa phương.

Tương tự, công trình xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ QL37 đến cầu Hòa Sơn) thời điểm này đang được đẩy nhanh tiến độ. Khắc phục thời tiết nắng nóng, thiếu nguồn điện, nhà thầu bố trí công nhân làm việc luân phiên và tăng ca trong thời điểm có điện. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 540 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tổng chiều dài hơn 10,5 km, trong đó đường hơn 10 km, còn lại là cầu. Tuyến đường được mở mới theo quy mô đường cấp III đồng bằng, điểm đầu thuộc địa phận xã Lương Phong (Hiệp Hòa); điểm cuối thuộc TP Phổ Yên (Thái Nguyên). Phần cầu Hòa Sơn được xây dựng vượt sông Cầu nối xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) với TP Phổ Yên.

Ông Trần Văn Trinh, Chỉ huy trưởng công trường cho biết, công trình thi công đến nay đã đạt 65% tổng khối lượng. Nhà thầu đang huy động nhân công, máy móc xây dựng các hạng mục quan trọng còn lại như: Lao lắp dầm, đúc hẫng trên trụ cầu, mố cầu, đúc dầm... Dự kiến tháng 9/2023, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Sau hơn một năm nỗ lực thi công, khắc phục khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đến thời điểm này, công trình cầu Như Nguyệt (Việt Yên) và đường dẫn lên cầu đã cơ bản hoàn thành.

Nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục phụ như: Lắp đèn đường, khe co giãn, sơn vạch kẻ đường để đưa vào sử dụng. Qua đó hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển KT-XH, tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào các KCN trong tỉnh.

Ưu tiên nguồn lực

Cầu Á Lữ (TP Bắc Giang) nối đôi bờ sông Thương đang sắp hoàn thiện. Ảnh Quốc Trường

Cầu Á Lữ (TP Bắc Giang) nối đôi bờ sông Thương đang sắp hoàn thiện. Ảnh Quốc Trường

Theo Sở Giao thông - Vận tải, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên, tạo đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH của mỗi địa phương và của tỉnh. Những năm gần đây, cùng với việc ưu tiên mở mới nâng cấp, cải tạo các tuyến đường, tỉnh huy động và dành đáng kể nguồn lực để xây dựng một số cây cầu.

Thực tế, khi chưa có cầu, tỉnh Bắc Giang mặc dù có vị trí giáp ranh với các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên song việc đi lại,lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do bị ngăn cách bởi các con sông. Công tác thu hút đầu tư của tỉnh còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc xây mới các cây cầu sẽ giúp tăng tính kết nối đối ngoại, phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch của tỉnh.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 5 cây cầu quy mô lớn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.Tổng kinh phí xây dựng hơn 3,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư,tỉnh và TP Bắc Giang. Trong số này có 2 cầu cơ bản đã hoàn thành, dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 6 năm nay là cầu Á Lữ (TP Bắc Giang) và cầu Như Nguyệt.

Khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần mở rộng mạng lưới giao thông, tăng tính liên kết giữa các vùng trong tỉnh với các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Qua đó mở ra cơ hội mới để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là các khu cụm công nghiệp, thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển.

Cầu Như Nguyệt được đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trên quốc lộ 1. Ảnh: Thế Đại

Cầu Như Nguyệt được đưa vào sử dụng, khắc phục tình trạng ách tắc giao thông trên quốc lộ 1. Ảnh: Thế Đại

Để các công trình thi công thuận lợi, sớm hoàn thành, bảo đảm chất lượng, thời gian qua, các đơn vị được giao làm chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ. UBND tỉnh giao cho các huyện,TP phối hợp với chủ đầu tư tổ chức giải phóng mặt bằng các dự án bảo đảm theo kế hoạch.

Thời điểm hiện nay, một số công trình hiện còn gặp vướng mắc, khó khăn. Ví như ở công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với KCN Yên Phong và QL 18, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh đang tích cực phối hợp với huyện Yên Phong để đôn đốc địa phương này phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với gần chục hộ dân còn lại để sớm bàn giao cho nhà thầu. Ở công trình xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu, huyện Yên Dũng đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục tuyên truyền, vận động khoảng 40 hộ dân ở xã Đồng Phúc đồng thuận bàn giao mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu...

Bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông - Vận tải cho biết, thời gian tới, trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án giao thông mang tính kết nối giao thương trong toàn tỉnh và khu vực. Trong đó xem xét ưu tiên đầu tư xây dựng công trình giao thông ở khu vực động lực tăng trưởng, trọng điểm kinh tế của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/406594/bac-giang-nhung-cay-cau-tao-dong-luc-phat-trien.html