Bắc Giang: Tái diễn xe quá tải, quá khổ
Sau một thời gian tạm lắng, gần đây, trên các tuyến đường trong tỉnh Bắc Giang, tình trạng xe cơi nới thùng, quá khổ, nhất là các xe chuyên chở vật liệu xây dựng, đất san nền trở lại hoạt động gây bức xúc, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và mất an toàn.
Chặn vi phạm tải trọng
Trên quốc lộ 17, đường tỉnh 298, đường Phúc Hòa – Cao Thượng… đoạn qua huyện Tân Yên (Bắc Giang) hằng ngày có hàng trăm lượt xe tải hàn nối thành thùng chở đất, đá, than chạy rầm rộ. Chiếc ô tô tải BKS 98C - 207.51 lặc lè chở đất san nền với thùng được cơi nới gấp đôi từ khu vực xã Cao Xá đến một công trình ở xã Liên Sơn mà không hề có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Tiếp đó, chiếc xe BKS 29H - 711.10 với thùng cao ngất ngang nhiên từ phía huyện Yên Thế đi xuyên qua xã Phúc Hòa ra thị trấn Cao Thượng dù tuyến đường này có một cầu yếu. Ông Nguyễn Văn Đ, người dân ở thị trấn Cao Thượng bức xúc: “Xe tải chở đầy đất đá, than chạy bất chấp an toàn của người và phương tiện khác. Bằng mắt thường, chúng tôi cũng nhận thấy họ tự ý hàn thêm cho thùng xe cao lên gấp đôi, gấp ba đồng nghĩa với việc thay đổi thiết kế và nâng tải trọng. Nhiều đoạn đường bị xe quá tải phá hỏng, mỗi khi nhìn thấy loại xe “hung thần” này, chúng tôi phải tránh xa vì họ đi rất nhanh, kể cả những khu vực đông dân cư, trường học, khuất tầm nhìn…”.
Trên trục quốc lộ 1, 31, đường tỉnh 293 cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều xe tải được hàn thêm thành thùng hoạt động ngày đêm. Khu vực xã Hương Sơn, Hương Lạc (Lạng Giang) gần đây có một số điểm được phép khai thác đất san nền nên nhiều xe chở đất về khu vực TP Bắc Giang, huyện Việt Yên, Yên Dũng, nơi có nhu cầu rất cao về loại vật liệu này để san lấp mặt bằng, xây dựng công trình. Hàng chục xe đến - đi với “núi đất” trên thùng, khi ra khỏi các điểm khai thác không thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh khiến đất đá rơi vãi ra mặt đường, ngày mưa biến thành bùn nhão, lúc nắng bụi bay mù mịt.
Phân tích nguyên nhân khiến nhiều xe quá khổ, quá tải liều lĩnh hoạt động, Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho rằng, thời gian gần đây, Bắc Giang thu hút nhiều nhà đầu tư, hàng loạt công trình, dự án giao thông, phát triển KT-XH được triển khai xây dựng nên cần khối lượng lớn đất san nền, đá các loại…
Vì lợi nhuận, lợi ích cá nhân, chủ phương tiện và lái xe sẵn sàng cơi nới thành thùng để tăng khối lượng vận chuyển, tìm mọi cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Các đối tượng theo dõi “ngược” các tổ tuần tra, kiểm soát của Phòng, nếu phát hiện bị lộ sẽ lập tức dừng hoạt động, chuyển sang hướng đi khác gây khó khăn cho việc xử lý.
Thực hiện kế hoạch chuyên đề về xử lý phương tiện quá khổ, quá tải, từ ngày 5/2 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh xử lý 435 trường hợp vi phạm, trong đó chở quá tải 41 trường hợp, 17 xe quả khổ, 365 trường hợp cơi nới thùng xe, 12 phương tiện không có bạt che.
Trước thực trạng này, từ đầu tháng 2/2021, Phòng Cảnh sát giao thông đã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát người điều khiển các quy định về chở hàng quá khổ, quá tải và điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Theo đó, các hành vi được tập trung xử lý là chở hàng quá tải, quá khổ, tự ý cơi nới thành thùng xe; giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; thiết bị an toàn kỹ thuật không bảo đảm; lái xe không có giấy phép hoặc không đúng hạng xe đang điều khiển…
Về phía thanh tra giao thông (TTGT), ông Nguyễn Văn Mạnh, Chánh Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất mà lực lượng TTGT gặp phải khi xử lý xe cơi nới, quá tải là lái xe, chủ xe luôn tránh né, chây ỳ, đưa ra nhiều lý do khác nhau để không hợp tác.
Nhiều lái xe khi bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra đã tìm mọi cách chống đối, không xuất trình giấy tờ, khóa cửa xe bỏ đi… Ngoài ra, các trang, thiết bị hỗ trợ cho công tác tuần tra, phát hiện sai phạm còn thiếu, lực lượng thực thi nhiệm vụ mỏng trong khi địa bàn rộng, nhiều tuyến đường phức tạp.
Để giải quyết, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lực lượng TTGT còn tuyên truyền và giải thích rõ các quy định của pháp luật về kích thước thành thùng xe, tải trọng, quá khổ giới hạn xe cho các đối tượng vi phạm, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật. Vận động các lái xe, chủ xe chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Đối với các trường hợp vi phạm tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước thành thùng xe không đúng thiết kế nhà sản xuất, lực lượng thanh tra ngoài việc lập biên bản vi phạm, các phương tiện còn bị tạm giữ giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tem kiểm định; yêu cầu người vi phạm khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật như ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện tham gia giao thông theo quy định.
Tuy nhiên, muốn giải quyết triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác kiểm tra, xử lý việc bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi sản xuất, cung ứng vật liệu, từ các mỏ đá, mỏ đất, cát sỏi…
Lắp đặt trạm cân, hệ thống camera giám sát để ngăn ngừa ngay từ nơi bắt đầu vận chuyển, nếu để xe quá khổ, quá tải chất đầy hàng ra ngoài đường tham gia giao thông sẽ rất khó xử lý, buộc hạ tải, cắt thùng đúng như thiết kế của phương tiện. Đồng thời thực hiện nhất quán quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm, kết hợp sức mạnh tổng hợp, trách nhiệm của chính quyền các cấp, lực lượng cảnh sát, TTGT trong ngăn chặn vấn nạn xe quá khổ, quá tải, tự ý thay đổi, cơi nới thùng hàng.