Bắc Giang: Tập trung nguồn lực phát triển giao thông kết nối vùng
Xác định xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng để tăng tính kết nối liên vùng, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững nên thời gian qua, tỉnh Bắc Giang dồn lực cho một số công trình trọng điểm. Những ngày này, trong tỉnh có hàng loạt công trình giao thông đang được gấp rút nâng cấp, mở rộng.
Tăng tốc thi công
Những ngày này, trên công trình xây dựng cầu Như Nguyệt mở rộng, nhà thầu huy động nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công. Các hạng mục mố, trụ cầu, nhịp cầu, mặt cầu cơ bản hoàn thành. Cây cầu to rộng, kết nối liên vùng giữa tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được định hình rõ nét.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăng Long (Hà Nội), đại diện nhà thầu xây dựng công trình cho biết, hiện nay đơn vị huy động khoảng 120 người là công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm cùng các loại phương tiện, máy móc chuyên dụng, chia làm 5 mũi thi công.
Ngoài làm giờ hành chính, người lao động tăng ca, thi công với 3 ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ. Nhiều hạng mục còn lại như: Khoan cọc nhồi, làm bệ trụ cầu, nhịp đúc hẫng… đang được khẩn trương hoàn thành. Trên mặt cầu hàng nghìn mét ván khuôn phục vụ thi công lao lắp dầm cầu đã được tập kết sẵn sàng.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý (BQL) dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh - đơn vị chủ đầu tư, hiện nay Ban tập trung đôn đốc nhà thầu tăng tốc hoàn thiện các hạng mục còn lại, phấn đấu hợp long cầu vào dịp 30/4. Sau khi hợp long, nhà thầu tiếp tục hoàn thiện các hạng mục phụ như: Lắp đặt ống thoát nước, đúc gờ lan can bờ bo cầu, dải phân cách… để đưa công trình vào sử dụng trong tháng 7 năm nay.
Được biết, cầu Như Nguyệt mở rộng có vị trí bên cạnh cây cầu hiện tại. Tổng mức đầu tư hơn 456 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Cầu được xây dựng nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển KT-XH, tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào các KCN trong tỉnh.
Tương tự, công trình xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ QL37 đến cầu Hòa Sơn) thời điểm này đang được đẩy nhanh tiến độ. Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 540 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tổng chiều dài hơn 10,5km, trong đó đường hơn 10km, còn lại là cầu. Tuyến đường được mở mới theo quy mô đường cấp III đồng bằng, điểm đầu tại Km0 +00 giao với QL37 tại Km87+440 thuộc địa phận xã Lương Phong (Hiệp Hòa); điểm cuối Km10+528,29 thuộc TP Phổ Yên. Phần cầu Hòa Sơn được xây dựng vượt sông Cầu nối xã Hòa Sơn (Hiệp Hòa) với TP Phổ Yên.
Hiện nay, nhà thầu thi công đạt 55% tổng khối lượng của công trình. Nhiều hạng mục quan trọng như: Lao lắp dầm, đúc hẫng trên trụ cầu, mố cầu, đúc dầm... đang được nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ. Phần đường cơ bản hoàn thành 10 km mặt đường, trong đó 6 km đã được thảm nhựa.
Ông Hoàng Thế Hưng, Phó Giám đốc BQL dự án các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh, đại diện chủ đầu tư cho biết, dự kiến cầu được hợp long trong tháng 6. Công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 9 năm nay, có ý nghĩa lớn trong việc tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các KCN của huyện Hiệp Hòa.
Trên công trình xây dựng đường và cầu Hà Bắc 2, nối tuyến nhánh 2 đường vành đai IV với KCN Yên Phong và QL18 (Bắc Ninh) hiện có hàng trăm công nhân đang hối hả làm việc để hoàn thiện các hạng mục, phấn đấu hợp long cầu vào đầu tháng 7 năm nay. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 358 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và tỉnh. Cầu Hà Bắc 2 hoàn thành sẽ kết nối các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa với huyện Yên Phong (Bắc Ninh).
Xây dựng đồng bộ hạ tầng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ “Xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông...” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các công trình giao thông trong việc thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Thực hiện chủ trương này, những năm gần đây, tỉnh đặc biệt ưu tiên nguồn lực để xây dựng các tuyến giao thông. Trong đó có nhiều công trình trọng điểm, thiết yếu mang tính kết nối liên vùng, liên tỉnh được xây mới, nâng cấp, mở rộng nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhất là các khu, cụm công nghiệp.
Mấy năm gần đây, bằng nguồn vốn của tỉnh và T.Ư phân bổ, tỉnh đầu tư khoảng 1,7 đến hơn 2 nghìn tỷ đồng/năm để xây dựng các công trình giao thông. Tại các huyện, TP, mỗi năm đầu tư từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông.
Được biết, mấy năm gần đây bằng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh và T.Ư phân bổ, tỉnh đầu tư khoảng 1,7 đến hơn 2 nghìn tỷ đồng/năm để thực hiện các công trình giao thông.
Tại các huyện, TP mỗi năm cũng đầu tư từ vài trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng... Nhờ đó, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm trong tỉnh được thi công, ví dụ như: Cải tạo, nâng cấp QL 31; xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu; đường nối QL37 - QL 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên)...
Để các công trình thi công thuận lợi, sớm hoàn thành, bảo đảm chất lượng, thời gian qua, UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư phối hợp với UBND các huyện, TP triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án. Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.
Theo bà Đỗ Thị Lan, Phó Giám đốc điều hành Sở Giao thông - Vận tải, thời gian tới, căn cứ vào quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án kết nối mạng lưới giao thông trong toàn tỉnh và khu vực, nhất là các khu vực động lực tăng trưởng, trọng điểm kinh tế; thực hiện phương án phát triển mạng lưới giao thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bài, ảnh: Minh Linh