Bắc Giang: Tổ chức phiên tòa dân sự đầu tiên sử dụng hồ sơ số hóa
Ngày 16/6, Viện KSND huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án kinh doanh thương mại 'Tranh chấp hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản'. Đây là vụ án dân sự đầu tiên trong toàn tỉnh sử dụng hồ sơ bản án được số hóa.
Phiên tòa được kết nối trực tuyến với điểm cầu Viện KSND tỉnh và các Viện KSND cấp huyện để rút kinh nghiệm cho toàn ngành.
Trong vụ án này, nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, địa chỉ ở quận Đống Đa, TP Hà Nội). Bị đơn là bà Vũ Thị T (SN 1973) ở thị trấn Kép (Lạng Giang). Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là chị Nguyễn Thu H (SN 1992, con gái bà T) ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang) và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác.
Năm 2016, bà T vay của VPBank (Phòng giao dịch huyện Hiệp Hòa) số tiền gốc là 790 triệu đồng. Tính đến hết ngày 22/11/2021, phía ngân hàng yêu cầu bà T phải trả tổng số tiền cả gốc, lãi, phạt trả chậm và lãi phát sinh là hơn 1,4 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay là quyền sử dụng đất thửa số 211, tờ bản đồ số 04, diện tích 549 m2 tại thôn Đồng 2, xã Tân Thịnh (nay là tổ dân phố Đồng 2, thị trấn Kép) mang tên hộ bà Vũ Thị T.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên án buộc bà T phải trả cho ngân hàng tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; trường hợp bà T không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Tại phiên tòa, chị H vắng mặt nên nội dung yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vô hiệu 1/3 đối với phần diện tích đất là quyền sử dụng của chị H bị đình chỉ, giải quyết sau.
Kết thúc phiên tòa, lãnh đạo Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, lao động (Phòng 10, Viện KSND tỉnh) và các Viện trưởng Viện KSND cấp huyện đánh giá kiểm sát viên Viện KSND huyện Lạng Giang có phong thái đĩnh đạc, tự tin, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình tại phiên tòa.
Các tài liệu, chứng cứ được số hóa, trình chiếu tương đối đầy đủ, giúp người tiến hành tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, đối đáp, tranh luận, đưa ra các quan điểm chính xác, có tính thuyết phục cao.
Tuy nhiên bài phát biểu của kiểm sát viên còn dài, một số nội dung trùng lặp, kiểm sát viên cũng cần phát biểu rõ hơn những vấn đề phát sinh tại phiên tòa.
Phần lớn các vụ án dân sự có nhiều tài liệu, chứng cứ nên việc số hóa hồ sơ là rất cần thiết. Thời gian tới, Viện KSND tỉnh đề nghị toàn ngành đẩy mạnh số hóa hồ sơ vụ án dân sự, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết án, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho kiểm sát viên, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Tin, ảnh: Mạc Yến