Bác Hồ - Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân
Với trái tim nhân đạo mênh mông nên di sản quý báu nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là tư tưởng vì dân.
Có thể nói tư tưởng vì dân của Bác bắt nguồn từ gốc lòng nhân ái, yêu thương con người.
Tư tưởng vì dân, yêu thương con người
Điểm nổi bật nhất trong đạo đức của Bác là lòng thương người. Vì thế, suốt cuộc đời, Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Sinh ra trên mảnh đất nghèo có truyền thống văn hóa, Nguyễn Sinh Cung sớm mang trong mình vẻ đẹp nhân ái của người con đất Việt. Làng Sen với “ba gian nhà trống, nồm đưa võng. Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh” đã nuôi lớn Người… để rồi Bác dành trọn cả 79 mùa Xuân cho đất nước:
Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta.
Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa.
Chỉ biết quên mình cho hết thảy.
Như dòng sông chảy nặng phù sa.
Vâng, 79 mùa Xuân của Bác Hồ trọn vẹn những hương vị tết cuộc đời của người Việt Nam đẹp nhất. Từ những tết trong cảnh lầm than, tủi nhục của người dân mất nước đến cái tết đầu tiên trong niềm vui độc lập; từ tết kháng chiến gian nan vất vả đến cái tết khải hoàn những vần thơ đầy sức xuân; tết trồng cây thêm chồi thêm lộc cho đời xuân đất Việt… hình ảnh Bác thật giản dị, gần gũi, ấm áp lạ thường.
Trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Sinh thời, Hồ Chí Minh được mọi người yêu mến, quý trọng trước hết vì Người luôn luôn trân trọng và quý mến mọi người. Tư tưởng vì dân của Hồ Chí Minh kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc. Đó là tư tưởng dân gian Việt Nam quý trọng con người, người ta là hoa đất. Mặt khác, Bác cũng đã tiếp thu, phát triển và cải tạo vốn tư tưởng văn hóa cổ về phụ trách trước dân, rõ nhất là ở châm ngôn “Trung với nước, hiếu với dân”, và coi đó là trách nhiệm, là bổn phận thiêng liêng của người cách mạng.
Ngày xưa, quan là cha mẹ dân. Với Hồ Chí Minh, dân trở thành người mà cán bộ phải có hiếu. “Làm cách mạng không phải nhằm mưu lợi lộc, chức quyền, giàu sang, vinh thân phì gia. Thậm chí cũng không phải chỉ là phụ trách trước cấp trên, trước Đảng một cách chung chung, trừu tượng, mà là chịu trách nhiệm trước nhân dân. Dân là người chủ, cán bộ Đảng viên đều là đầy tớ cả”.
Tư tưởng vì dân của Hồ Chí Minh có cội nguồn sâu sắc vì kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc, văn hóa cổ truyền, vừa mang tính hiện đại, mới mẻ bởi có sự cụ thể hóa tư tưởng Mác - Lê nin vào hoàn cảnh Việt Nam.
Phân tích về trách nhiệm của Đảng, của cán bộ trước nhân dân, Bác nói: “Nếu dân đói là Đảng và chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và chính phủ có lỗi”. Chịu trách nhiệm với dân nghĩa là phải biết nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân. Phải tìm hiểu sâu sắc để biết dân cần gì, muốn gì, cái gì lợi, cái gì hại cho dân để rồi “việc gì lợi cho dân ta hết sức làm, việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh”.
Và khi Cách mạng tháng Tám vừa mới thành công, với tấm lòng và trách nhiệm của mình, Người cũng đã nhắc nhở: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì”. Tất cả phải xuất phát từ lợi ích của dân. Mọi ý nghĩ, tình cảm và hành động của Bác đều hướng vào công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người, đều nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân…
Tình yêu thương nhân dân vô hạn đã trở thành lẽ sống, nguồn hạnh phúc của Người. Vì thế, “cả đời tôi chỉ có mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân”. Bác luôn luôn lo lắng làm sao cho dân đều có đủ cơm ăn, áo mặc. Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước gặp nhiều khó khăn: Sản xuất đình trệ, nông dân mất ruộng đất, công viên chức mất việc làm, đồng bạc mất giá. Nghèo nàn, lạc hậu, đói kém, dốt nát, các tệ nạn xã hội tràn lan…
Trước thực cảnh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng, Nhà nước đề ra và thực hiện những chủ trương, biện pháp để giải quyết khó khăn. Đó là tăng gia sản xuất, rồi “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ngày đồng tâm”, “Tuần lễ vàng”, lập “Nha bình dân học vụ”… từng bước đẩy lùi giặc đói và giặc dốt.
Vì dân - Người đặc biệt quý trọng với từng người bằng tấm lòng nhân ái bao la. Dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Bác luôn quan tâm, thăm hỏi, nhắc nhở ân cần và động viên kịp thời tất cả các tầng lớp nhân dân. Vì dân, vì cuộc sống của mọi người, Hồ Chủ Tịch trong các bài nói chuyện luôn phân tích những biểu hiện và tác hại của chủ nghĩa cá nhân, từ đó nhấn mạnh rằng cần loại bỏ nó đi.
Chẳng bao giờ ngơi nghỉ, suốt cuộc đời vì nước, vì dân, “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”, thế mà Bác Hồ bao giờ cũng khiêm tốn. Người luôn thực hiện nghiêm túc tinh thần phê và tự phê đối với bản thân và cán bộ Đảng viên. Có không ít lần Bác bảo “khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”, hoặc “những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm trên là lỗi tại chúng tôi”.
Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là tư tưởng, tình cảm thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão cao quý nhất trong cuộc đời và trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người.
Tháng 5 năm 1969, trong bản Di chúc, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Thật thấm thía, xúc động lời tâm sự bao la tình nhân ái của Bác. Với Bác, nhân dân là tất cả. Nhà thơ Tố Hữu ca ngợi tình yêu thương con người của Bác bằng những vần thơ xúc động:
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Lối sống giản dị, thanh cao
Nhân ái, bao dung, yêu nước, thương dân, trọn đời lo cho dân, vì dân…, Bác Hồ kính yêu của chúng ta còn là tấm gương của lối sống giản dị, thanh cao.
Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Bác Hồ đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Bác đi nhiều, vốn hiểu biết rộng… Vậy mà bao giờ Người cũng giữ lối sống bình dị, khiêm tốn. Bác giản dị trong sinh hoạt hằng ngày, về trang phục, cách ăn uống, tư trang…
Tác giả Lê Anh Trà khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm “cung điện” của mình. Quả như một câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong cổ tích. Chiếc nhà sàn đó cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ.
Và chủ nhân chiếc nhà sàn này cũng trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ của các chiến sĩ Trường Sơn đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì. Hằng ngày, việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Xúc động trước hình ảnh giản dị của Người, nhà thơ Tố Hữu viết:
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...
Ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh có một lối sống vô cùng giản dị. Vì giản dị nên mọi mong ước, quyền lợi đều dành cho tập thể, cho đồng bào.
Năm 1946, khi đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã trả lời các nhà báo: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui.
Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Quan niệm về cuộc sống của Bác thật nhẹ nhàng, nghiêng về những giá trị tinh thần. Cách sống giản dị, đạm bạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại vô cùng thanh cao, sang trọng.
Giản dị mà thanh cao, đạm bạc mà sang trọng… Đây không phải là lối sống khắc khổ của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó. Đây cũng không phải là cách tự thần thánh hóa, tự làm cho khác đời, hơn đời. Đây là một cách sống có văn hóa đã trở thành một quan niệm thẩm mĩ: Cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên.
Nét đẹp của lối sống giản dị, rất dân tộc, rất Việt Nam trong phong cách Hồ Chí Minh gợi ta nhớ đến cách sống của các vị hiền triết trong lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bác sống giản dị, gần gũi, tự nhiên trong cuộc sống đời thường và trong quá trình hoạt động cách mạng. Giản dị trở thành nét tính cách, phẩm chất của Người. Một phần, xuất phát từ tấm lòng nhân ái bao la, tư tưởng vì nước vì dân của Bác.
Học Bác là học lối sống giản dị; học Bác là học phong thái ung dung, tình thần lạc quan trong cuộc sống. Tình yêu cuộc sống, tâm hồn lạc quan, trẻ trung của Bác được thể hiện sinh động trong những vần thơ Người nói về tuổi tác.
Trong thơ tuổi già của Bác thường có nụ cười vui rất đỗi trẻ trung, hóm hỉnh và thể hiện niềm tin yêu, lạc quan trước cuộc sống:
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
(Không đề)
Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
(Sáu mươi tuổi)
Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba, mình nghĩ vẫn là đương trai
(Sáu mươi ba tuổi)
Quả là, bên cạnh những bài thơ chúc Tết, Bác Hồ của chúng ta còn dành những bài thơ nói về tuổi tác. Điều thú vị là, kể bằng những con số cụ thể của “mùa Xuân cuộc đời” nhưng Bác không hề bận tâm trước tuổi già của mình. Một sức xuân tràn trề, tươi trẻ. Lời tâm tình pha lẫn nụ cười “rất duyên” của Bác khi nói về tuổi tác.
Đọc thơ của Bác chúng ta ngạc nhiên nhưng rồi lại hiểu ra ngay cái lý do khiến Người viết được những câu thơ tràn đầy sức xuân với nụ cười tươi trẻ như vậy. Tất cả xuất phát từ một nhân sinh quan bình dị nhưng hết sức cao đẹp, một tâm hồn lạc quan, yêu cuộc sống thiết tha. Bác bảo rằng:
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên
(Sáu mươi tuổi)
Lời thơ rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Ở đây Bác đã gặp quan niệm sống truyền thống của nhân dân: “Ăn được, ngủ được là tiên”. Đó là “phương thuốc” hữu hiện nhất của con người - đặc biệt là tuổi già. Nhưng nét lạ rất đáng khâm phục, thể hiện trong câu thơ là, đi từ quan niệm có tính chất truyền thống của người dân, Bác đã nâng lên thành một quan niệm sống gắn liền trách nhiệm và lý tưởng, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản: “Làm việc khỏe”.
Nghĩa là với Bác “ăn khỏe, ngủ ngon” chưa phải là “tiên” mà “ăn khỏe, ngủ ngon” và “làm việc khỏe” mới là “tiên”. Quan niệm sống cao cả đó gắn liền với tinh thần lạc quan, được cất lên từ một trái tim tâm huyết, tấm lòng nhân hậu và phong cách sống mang nét riêng của “Vị cha già dân tộc”.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.
(Sáu mươi ba tuổi)
Điều dễ nhận thấy là, trong thơ của Bác những từ ngữ nói về tuổi tác thường đi kèm và gắn liền với hai chữ “việc làm” và “tiên”, “trẻ”. Đó là cái triết lý sống luôn coi trọng việc làm và đời sống tinh thần của con người, một cuộc sống điều độ, thanh bạch, đạm bạc, giản dị, ít phụ thuộc vào vật chất... sẽ tạo cho con người một phong thái ung dung tự tại, chủ động và lạc quan trong cuộc sống. Đó chính là cách sống mang đậm cốt cách nhà hiền triết phương Đông của “ông Tiên” Việt Nam... Và cái bí quyết sống để “trẻ mãi không già” của Bác còn do nghị lực và ý chí tạo nên. Hãy nghe Bác tâm sự:
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
(Không đề - 1968)
Trong bản Di chúc, Bác viết: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp”. Ở đây, Người dùng từ xuân, không dùng từ tuổi. Cách dùng từ xuân thể hiện tinh thần lạc quan của Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo.
Hai tiếng Bác Hồ, bình dị và gần gũi mà ấm áp và thiêng liêng biết mấy. Người là cha, là Bác, là anh/ Quả tim lớn, lọc trăm dòng máu nhỏ (Tố Hữu).