Bác Hồ nói về mối quan hệ giữa đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Trong di sản Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, có nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết bàn về đạo đức cách mạng và mặt đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân.
Theo Bác, chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn trái với đạo đức cách mạng. Bác cho rằng “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng lo cho lợi ích cá nhân của mình, không quan tâm lợi ích của tập thể”, “miễn mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Chủ nghĩa cá nhân như thứ vi trùng đẻ ra nhiều thứ bệnh: tham ô, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, độc quyền, quan liêu, mệnh lệnh...
Vì vậy, để giữ vững đạo đức cách mạng thì phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Người nói “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho nên, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân".
Ở đây chúng ta cũng cần nhận thức thống nhất giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Cần phân biệt đúng đắn giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân. Như Bác đã nói, chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mjfnh”. Do vậy, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nhưng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là gạt bỏ lợi ích cá nhân. Vì mỗi người đều có đời sống riêng. Mỗi người đều có quyền làm giầu cho bản thân và gia đình mình, nhưng những lợi ích đó không trái với lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của dân tộc và của tập thể.
Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của đạo đức cách mạng. Nếu để chủ nghĩa cá nhân phát triển sẽ gây tổn hại đến uy tín của Đảng và sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc, một Đảng và một con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không phải nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.