Bác Hồ trong trái tim quân dân đảo Trường Sa

Ở huyện đảo Trường Sa, tất cả nhà của người dân đều có tấm ảnh để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng thiêng liêng nhất là hình ảnh Bác ở nhà giàn DK 1/11 giữa muôn trùng sóng nước. Mỗi khi gặp khó khăn, những người lính ở nhà giàn lại thắp hương, nguyện hứa với Bác, giữ vững phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', khó khăn nào cũng vượt qua...

Chị Lê Thị Kim Thi, cư dân đảo Sinh Tồn với bàn thờ Bác Hồ trong gia đình. Ảnh: Văn Chương

Chị Lê Thị Kim Thi, cư dân đảo Sinh Tồn với bàn thờ Bác Hồ trong gia đình. Ảnh: Văn Chương

Tấm ảnh từ 35 năm trước

Đoàn công tác số 17 của Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK 1 từ ngày 8/5/2024. Sau 5 ngày hải trình, sáng ngày 13/5, tàu 571, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân hụ một hồi còi dài chào cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK 1/11.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Công binh và là người có nhiều kiến tạo trong hoạt động xây dựng đảo Trường Sa đứng lặng người nhìn lên ngôi nhà bằng thép, sơn màu vàng, như một cột mốc chủ quyền trên biển Đông. Thiếu tướng Hoàng Kiền ghi vào sổ lưu niệm, chia sẻ hoài niệm về những tháng năm đưa công binh ra xây dựng nhà giàn và thực hiện làm 3 giai đoạn từ năm 1989 đến 1998, giai đoạn gia cố từ năm 2000 đến 2009, giai đoạn làm mới từ năm 2010 đến 2018. “Mỗi khi dựng nhà xong thì cán bộ, chiến sĩ nơi đây đều lập bàn thờ Bác Hồ, tất cả anh em lần lượt thắp hương tưởng niệm Bác” - Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết.

Nhà giàn DK 1/11 hiên ngang giữa biển khơi. Từ đây dẫn qua nhà giàn DK 1/14, DK 1/12 và vùng lõi chính giữa là bãi Tư Chính. Từ ngôi nhà DK 1/11 đi qua một cầu thang được bắc và cố định bằng 4 sợi dây cáp dẫn sang ngôi nhà giàn cũ được xây dựng từ năm 1989, trong ngôi nhà này, mùi hương luôn lan tỏa, tấm ảnh Bác Hồ được đặt trang trọng lên bàn thờ từ năm 1989 đã sạm màu theo thời gian.

Ở giữa biển khơi mênh mông, mùi hương thơm ngát và hình ảnh Bác trang nghiêm trên khung ảnh đã để lại cảm giác xúc động cho mỗi người. Những cựu chiến binh có mặt trong đoàn từng tham gia chiến dịch CQ 88 đều đứng lặng nhìn tấm ảnh Bác đã ngả màu theo tháng năm. Trung tá Trần Xuân Tiến, cán bộ Nhà giàn DK 1/11 cho biết, bàn thờ Bác Hồ giữa biển khơi mang lại cảm giác ấm áp từ đất liền, ngày nào anh em cũng thắp hương cho Bác.

Sức mạnh tinh thần

Hai nhà giàn nằm cạnh nhau, nhưng ngôi nhà giàn cũ mang ý nghĩa đặc biệt. Đặc biệt không phải là hoài niệm về ngôi nhà có tuổi tác và mang dáng dấp của “DK cổ”, mà đó là ngôi nhà đã lưu dấu một tấm gương cán bộ đã anh dũng hy sinh. Đó là liệt sĩ Dương Văn Bắc, sinh năm 1974, quê ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 2/1995, hy sinh ngày 14/9/2014. Thời còn sống và công tác tại nhà giàn, Đại úy Bắc luôn chăm chút cho bàn thờ của Bác. Cho đến ngày anh Bắc hy sinh, đồng đội đặt bàn thờ của anh ở phòng trong, sát cạnh đó là căn phòng thờ Bác Hồ. Nhiều thành viên thắp hương trên bàn thờ Bác, sau đó lại rơi nước mắt khi nghiêng mình trước bàn thờ của liệt sĩ.

Đi qua nhiều hòn đảo, bàn thờ Bác Hồ luôn được đặt trang trọng tại căn phòng trung tâm của ngôi nhà mới và ngôi nhà cũ được xây dựng từ nhiều năm trước. Tại đảo Đá Đông A, cạnh bàn thờ Bác Hồ là dòng chữ “Vì nhân dân quên mình”. Thượng úy Đỗ Văn Vũ, quê ở thành phố Hải Phòng cho biết, anh được biên chế về nhiều đơn vị ở quần đảo Trường Sa. Ở tuổi 33 nhưng chưa lập gia đình, Thượng úy Vũ chia sẻ, dù biết cuộc sống ở đảo xa thiệt thòi và gian khó, nhưng hình ảnh Bác luôn là động lực lớn lao cho tất cả cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn.

Nhà giàn DK 1/11 hiên ngang giữa sóng gió trùng khơi. Ảnh: Văn Chương

Nhà giàn DK 1/11 hiên ngang giữa sóng gió trùng khơi. Ảnh: Văn Chương

Tại đảo Đá Tây C, Trung sĩ Nguyễn Công Khang đã dẫn đoàn công tác sang ngôi nhà cũ để thắp hương tưởng niệm Bác Hồ. Việc thắp hương cho Bác luôn được thực hiện đầu tiên trước khi tổ chức các chương trình giao lưu, thăm hỏi, tặng quà. Trung sĩ Nguyễn Công Khang tâm tình, đảo Đá Tây C trở thành điểm cập tàu thuận lợi vào mùa nắng, còn mùa mưa thì nơi này luôn bị sóng gió bao vây. Những giờ phút đó, ngửi mùi hương thơm lan tỏa từ bàn thờ Bác Hồ, mỗi người lính như thấy lòng mình ấm lại.

Điều tôi đặc biệt chú ý là câu khẩu hiệu được đúc kết từ lời dạy của Bác: “Lấy tĩnh chế động, độc lập tác chiến, còn người còn đảo...”. Trong cuốn sổ lưu niệm tại đảo Đá Tây C có nhiều lưu bút nhắc đến tấm gương của anh "Bộ đội Cụ Hồ" ngày đêm bám giữ đảo. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng viết vào ngày 17/4/2024 cũng nhắc đến sự cống hiến của những người lính trên đảo để xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ".

Bác Hồ trong trái tim người dân trên đảo

Tại xã đảo Sinh Tồn, với sự nỗ lực của quân và dân trên đảo, nơi này đã biến thành hòn đảo xanh rợp bóng cây. Các loại cây bàng, mù u, phong ba, cùng một số loại cây ăn trái nhờ sức người, sự che chắn sóng gió, đến giờ này đều đâm chồi nảy lộc. Tại ngôi trường nằm gần chùa Sinh Tồn, các cháu học sinh hàng ngày ê a đánh vần và được thầy giáo tập cho bài hát về Bác Hồ.

Chị Lê Thị Kim Thi mời tôi vào thăm ngôi nhà là tổ ấm của cặp vợ chồng trẻ với 2 đứa con thơ. Ngôi nhà của chị có lẽ là đặc biệt nhất trong số các hộ dân ở xã đảo, đó là trên bức tường bốn góc đều vẽ hình hoa sen đỏ thắm, hai bên bàn thờ cũng được trang trí hoa sen và chính giữa đặt tấm ảnh Bác Hồ. Chị Thi cho biết, ở xã đảo xa đất liền, cuộc sống tinh thần trở nên rất quan trọng, mọi người luôn đoàn kết, gắn bó, quân dân một lòng. Ngày nào cũng vậy, chị đều đặn thắp hương trên bàn thờ Bác, khấn niệm về việc “Bác đã hy sinh cả cuộc đời để non sông liền một dải, góp phần cho con cháu có được một vùng biển đảo, thềm lục địa rộng lớn”.

Ở xã đảo Sinh Tồn, cứ đến dịp sinh nhật Bác, quân dân lại tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ trong hội trường được dán rất nhiều bản sắc phong được dịch từ văn bản chữ Nôm của triều đình nhà Nguyễn, nội dung khẳng định người Việt Nam đã vươn ra làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa từ mấy trăm năm trước.

Chúng tôi chia tay những cư dân xã đảo Sinh Tồn - hòn đảo xa xôi của Tổ quốc với lời nhắn nhủ từ chính tấm lòng của những người yêu biển, đảo quê hương: “Tấm gương hy sinh của Bác cũng chính là động lực thôi thúc người dân cùng bộ đội vượt qua khó khăn, gian khổ, với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bac-ho-trong-trai-tim-quan-dan-dao-truong-sa-post476291.html