Bác Hồ với hành trình 'tìm đường đi cho dân tộc theo đi'
'Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai' (Chế Lan Viên) - những câu thơ ấy cứ vang lên trong tâm cảm bao người khi nghĩ đến hành trình 30 năm đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ.
Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5/6/1911.
Sinh ra trong cảnh đất nước bị thực dân xâm lược, Nhân dân cực khổ, lầm than - “Phận nghèo nước mất dân nô lệ/ Đêm tối trời mây chẳng ánh sao” (Tố Hữu), Nguyễn Tất Thành đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, thương dân. Lớn lên khi phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra rồi thất bại; các nhà cách mạng tiền bối chưa tìm được lối ra, Nguyễn Tất Thành suy nghĩ và nhận thấy con đường cứu nước đó đang bế tắc.
“Phan Chu Trinh lạc lối trời Âu/ Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng/ Bạn cùng ai đất khách dãi dầu” (thơ Tố Hữu). Với một dự cảm chính trị thiên tài, một sự lựa chọn lịch sử, Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Và trên con đường ấy, Người đã đi qua ba đại dương, bốn châu lục, gần 30 nước trên thế giới mà “không hề giẫm lên bước của chân ai, chỉ có đạp kẻ thù mà xốc tới”. (theo GS Nguyễn Đổng Chi)
Nguyễn Tất Thành đã sang phương Tây. Trên hành trình cứu nước mới đó, Người đã đến “những đất tự do, những trời nô lệ”. Ở chính trên đất của bọn thực dân, đế quốc, Người đã chứng kiến và hiểu thế nào là “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” mà chúng đã tuyên truyền ở xứ thuộc địa. Đồng thời, Người đã tiếp thu những tiến bộ, tinh hoa của những đất nước văn minh, phát triển để về giúp đồng bào. Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra ở đâu cũng vậy, dù là nước chính quốc hay nước thuộc địa vẫn có người tốt và người xấu; có người áp bức bóc lột và những người bị áp bức bóc lột. Muốn đánh đổ thực dân, giải phóng dân tộc, chỉ có thể dựa vào sức mình, trông cậy vào khả năng của mình.
Đó là những cảm nhận, cái nhìn đầu tiên trên con đường đi tìm chân lý thời đại. Cũng từ đây, Người đã tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh cho các nước thuộc địa. Giữa năm 1919, Nguyễn Ái Quốc cùng cụ Phan Châu Trinh, luật sư Phan Văn Trường nhân danh “Nhóm những người Việt Nam yêu nước” cùng soạn thảo: “Bản yêu sách của Nhân dân An Nam” gửi cho các phái đoàn tham dự Hội nghị quốc tế về hòa bình ở Véc-xây. Mặc dù không được chấp nhận nhưng đó là một văn bản có giá trị khiến Chính phủ Pháp phải bối rối.
Nguyễn Ái Quốc và những người bạn Pháp tại Paris vào năm 1921. Ảnh Internet
Từ thực tiễn các phong trào đấu tranh của nhân dân ở các nước thuộc địa và ngay trong chính quốc, Người đã nhận thấy không thể đi theo con đường cách mạng tư sản vì con đường đó không giải phóng dân tộc thuộc địa, không giải phóng nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột. Những cuộc cách mạng kiểu đó, sớm muộn thì Nhân dân phải làm cách mạng một lần nữa mới xong.
Từ lập trường của một người yêu nước, Nguyễn Ái Quốc chuyển sang lập trường của một người cộng sản. Con đường đi tìm chân lý thời đại đã dần sáng tỏ và dự báo vầng sáng bình minh ở phương Đông.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin (gọi tắt là Luận cương Lê-nin) đăng trên báo Nhân đạo nước Pháp. “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc” (Chế Lan Viên). Người khóc vì nó đã giải đáp thỏa đáng những điều mà bấy lâu nay Người hằng mong ước, nung nấu, đợi chờ.
Luận cương Lê-nin, ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga như nguồn sáng chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn, mang đến cho Nguyễn Ái Quốc cái nhìn mới và quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Ảnh Internet
Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã sang nước Nga, trực tiếp chứng kiến những đổi thay to lớn, những thành quả lớn lao của Cách mạng tháng Mười đem lại cho Nhân dân nước Nga. Luận cương Lê-nin, ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga như nguồn sáng chiếu rọi vào trí tuệ và tâm hồn, mang đến cho Người cái nhìn mới và quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Đó là con đường cách mạng vô sản, con đường cách mạng chân chính, khoa học với niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc, vào nhân dân để cứu nước, giải phóng dân tộc, mang lại ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.
Con đường đó là: vấn đề dân tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa, quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa phải được công nhận. Các đảng cộng sản ở các nước đế quốc phải ủng hộ, giúp đỡ phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Dân tộc thuộc địa vừa phải giải phóng khỏi ách thống trị của nước khác, vừa phải đấu tranh chống các lực lượng phong kiến, phản động trong nước.
Các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ với các dân tộc thuộc địa, với các nước làm cách mạng XHCN đã thành công. Với Việt Nam, đó là con đường cách mạng dân tộc, dân chủ đi lên chủ nghĩa xã hội. Và, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ, bần hàn.
Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (tháng 7/1924). Ảnh Internet
Phát hiện quy luật tất yếu của lịch sử, thấy được chỉ có con đường cách mạng vô sản mới giải phóng được dân tộc; tin tưởng, dựa vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân là trí tuệ, phẩm chất cơ bản của người cộng sản. Đó cũng là chỗ khác căn bản của Nguyễn Ái Quốc với các bậc sỹ phu tiền bối. Nhiều bậc sỹ phu yêu nước, thương nòi, nhiệt thành cách mạng nhưng lại không tìm ra đường hướng mới, không đủ niềm tin vào sức mạnh quần chúng Nhân dân nên đã không đi hết con đường đã chọn.
Và trên con đường vinh quang ấy, Nguyễn Ái Quốc đã xác định ngay từ đầu là phải luôn có sự lãnh đạo của đảng giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, lãnh đạo con đường cứu nước, cứu dân.
Đảng ta, một đảng cách mạng chân chính, ngay từ khi mới ra đời đã tập hợp, hội tụ được sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, trở thành đội tiên phong trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, lập nên những kỳ tích, chiến công vang dội.
Trên con đường cách mạng vô sản, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân giành được những thành quả cách mạng to lớn, diệu kỳ. Đó là đánh đổ thực dân, phong kiến đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện. Thành quả đó được bắt nguồn từ những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” (Chế Lan Viên).
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân (3/11/1946). Ảnh: tư liệu
Hiện nay, tình hình thế giới nhiều biến động, các thế lực thù địch đang lăm le chống phá cách mạng Việt Nam, đòi hỏi mỗi chúng ta đoàn kết, đấu tranh, vững niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống; thực hiện, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi khó khăn, đưa quê hương, đất nước phát triển hùng cường như Người hằng mong ước.