Bác Hồ với nhà nông

Nước ta là nước nông nghiệp, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Thời gian dài từ tấm bé đến tuổi học trò, Bác có cuộc sống gắn bó với người nông dân nghèo ở quê. Vì thế Bác khá hiểu rõ những công việc của nhà nông. Điều này được minh chứng ngay sau khi bế mạc Đại hội Nông dân. Bác cùng các đại biểu đi thăm một nông trang, Bác cũng xắn quần lội ruộng cùng làm với những người nông dân một cách thuần thục. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân, Bác đã viết nhiều bài báo tố cáo, địa chủ cường hào phong kiến, bóc lột sức lao động người nông dân và chính sách sưu cao thuế nặng của chúng. Bác Hồ bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước cứu nhà, thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản, lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất tháng Tám năm 1945 đưa 95% dân số nước ta làm nghề nông thoát khỏi kiếp nô lệ lên địa vị người làm chủ. Ngay sau khi giành được chính quyền, trước cảnh thù trong giặc ngoài và giặc đói giặc, Bác đã dành sự quan tâm đặc biệt, đồng cam cộng khổ cùng nhân dân diệt giặc đói. Bác đi xuống các địa phương chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt như Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng... để đôn đốc việc cứu đói, tổ chức tăng gia sản xuất, đắp đê phòng chống thiên tai... Bác nói: “Đảng, Chính phủ phải lo cái ăn cho dân không được để dân đói". Sau đó hàng năm, cứ đến mùa nước lũ, hay kỳ hạn hán Bác thường trực tiếp xuống địa phương tham gia chống lũ, chống hạn cùng nhân dân. Những lần như thế Bác như một nông dân thực thụ, trực tiếp cùng tát nước hay đào mương cùng bà con nông dân. Vừa làm Bác còn chỉ vẽ cho cán bộ và bà con nông dân những cách làm khoa học để giảm công sức người lao động. Bác nhắc nhở: Con trâu là đầu cơ nghiệp, phải chăm sóc tốt thì nó mới đủ sức khỏe để cày sâu, bừa kỹ, mới sản xuất được ra nhiều lúa gạo cho dân ta ấm no, nước ta giầu mạnh.Khi tuổi cao sức yếu Bác vẫn trăn trở việc cho ra đời Điều lệ Hợp tác xã. Bác dặn viết bản Điều lệ sao cho nông dân ít học cũng hiểu được. Sau khi đọc bản dự thảo, Bác nói đây là bản dùng cho cán bộ, còn đối với xã viên thì viết phải tóm tắt hơn, dễ hiểu hơn. Bác đọc và sửa chữa rất kỹ, có chỗ nào chữ nghĩa cầu kỳ khó hiểu Bác đều sửa lại. Số thứ tự các chương đánh số La Mã, Bác sửa lại "chương Một... Hai...". Sau đó Bác yêu cầu chuyển nội dung bản Điều lệ sang diễn ca phát trên đài phát thanh cho dân dễ thuộc, dễ nhớ, để làm theo. Bác bảo công nhân có ngày kỷ niệm, nên lấy ngày ban hành Điều lệ Hợp tác xã làm ngày kỷ niệm cho nông dân. Đất Tổ Phú Thọ 9 lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Lần nào về Bác cũng dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống của bà con nông dân.Ngày 20/7/1958, giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện kế hoạch 3 năm “Cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội (1958 - 1960)” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh và dự hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ. Nói chuyện với 2.000 cán bộ từ tỉnh đến xã, Người đã thăm hỏi, khen ngợi một số thành tích sản xuất nông nghiệp đồng thời căn dặn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết tâm “ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi”. Người chỉ rõ: “Muốn được như thế phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn cán bộ và nhân dân”. Cán bộ và nhân dân trong tỉnh mãi ghi nhớ lời Bác dạy trong chuyến Bác về thăm HTX Nam Tiến, xã Cao Mại (nay thuộc thị trấn Lâm Thao) buổi sáng ngày 19/8/1962. Người khen ngợi xã viên, cán bộ, đảng viên và căn dặn: bà con phải ăn ở vệ sinh, chăm lo sản xuất và tiết kiệm… “Xã viên phải biết làm chủ. Ban quản trị là những người phục vụ xã viên chứ không phải làm thầy, làm quan. Quản trị làm tốt thì HTX phát triển, xã viên đoàn kết… Ban quản trị phải dân chủ. Mọi việc lớn của HTX phải đưa ra bàn bạc dân chủ với xã viên thì mọi việc sẽ thành công”. Hỏi thăm tình hình sức khỏe các cụ già, sức khỏe chị em phụ nữ và ngày công của các chị, rồi Bác nhắc đến công tác thủy lợi, y tế, văn hóa – xã hội…, căn dặn bà con phải đoàn kết xây dựng HTX, đoàn kết với công nhân nhà máy, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và góp phần vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất Tổ quốc.Vấn đề đạo đức của cán bộ Đảng viên đã được Người đề cập hết sức ngắn gọn, rõ ràng và giản dị như: "Cán bộ phải làm đầy tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu, phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng HTX...". Người yêu cầu cán bộ đảng viên phải "...vừa là người lãnh đạo vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân..."; phải cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư..., phải đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi... Người còn căn dặn thêm: “Các cô chú phải cần, kiệm làm cho HTX ngày càng giầu mạnh, đời sống ngày càng ấm no”. Bác nhắc nhở bà con hãy tận dụng đất đai, tích cực trồng thêm nhiều khoai nước để phát triển chăn nuôi, góp phần cải thiện đời sống… Thực hiện lời dạy của Bác liên tục trong các giai đoạn với quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, Nông nghiệp, nông thôn và nông dân Phú Thọ vững bước đi lên. Sự chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm đang thực sự mang đến "Vạn xuân" cho mỗi địa danh trên vùng đất này như mong mỏi của Bác Hồ kính yêu.

(Biên soạn theo Hồ Chí Minh – chân dung đời thường , Nxb. Lao động, Hà Nội, 2005 và Bác Hồ sống mãi với chúng ta)

Thăng Long

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/202108/bac-ho-voi-nha-nong-178717