Bắc Kạn: Cho vay với lãi suất 'cắt cổ', một đối tượng có hai tiền án ở Ba Bể 'sa lưới'
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Ngọc Dương về hành vi cho vay lãi nặng.
Cho vay lãi suất "cắt cổ", một đối tượng "sa lưới"
Thông tin từ Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, ngày 14/10/2023, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an huyện Ba Bể tiến hành kiểm tra cơ sở cầm đồ Đại Lợi tại tiểu khu 1, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể phát hiện Vũ Ngọc Dương (SN 1994, trú tại thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, huyện Ba Bể) làm chủ, có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Qua kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện và tạm giữ một số đồ vật, tài liệu, tài sản nghi có liên quan đến hoạt động cho vay của Vũ Ngọc Dương. Theo đó, Vũ Ngọc Dương đã cho vay, cầm cố tài sản và thu tiền lãi của người dân vượt quá quy định của pháp luật, với lãi suất lên đến 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp người và nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có liên quan của Vũ Ngọc Dương tại tiểu khu 1 (thị trấn Chợ Rã) và thôn Nà Giảo (xã Yến Dương). Kết quả cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ số tiền gần 10.000.000 đồng, 10 xe mô tô các loại và nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay của đối tượng.
Được biết, Vũ Ngọc Dương đã có 2 tiền án. Năm 2020, Dương bị Tòa án nhân dân huyện Ba Bể tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”; Năm 2021, bị Tòa án nhân dân huyện Ba Bể tuyên phạt 7 tháng tù về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Chấp hành án xong ngày 28/4/2022, đến nay chưa được xóa án tích.
Cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật
Theo người dân khu vực thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể cho biết, hằng ngày đối tượng Vũ Ngọc Dương cho vay với lãi suất "cắt cổ" và hình thức cho vay cực kỳ tinh vi. Cụ thể, khi đến cửa hàng của Dương vay tiền, người vay sẽ được đối tượng giao 1 tờ giấy với nội dung "giấy biên nhận vay tiền mặt" và bắt đầu điền các thông tin theo yêu cầu.
Trong giấy biên nhận vay tiền mặt, ngoài các thông tin mà đối tượng soạn sẵn như một bản hợp đồng, có đầy đủ cam kết và phần ký của người cho vay, bên chứng kiến, người vay. Tuy nhiên, khi người vay điền xong các thông tin trên tờ giấy, bên cho vay và người chứng kiến không hề điền thông tin và ký ghi rõ họ tên mà chỉ có người vay tự ký. Thậm chí, người vay còn phải điểm chỉ tay bằng mực đỏ ở phần người vay.
Ngoài việc ghi vào tờ giấy, khách hàng muốn vay phải có tài sản để cầm cố, có thể là xe máy hoặc tài sản khác. Một nạn nhân trong vụ việc chia sẻ với phóng viên, cầm đồ tại cửa hàng này tính lãi suất cực kỳ cao. Cụ thể, nếu khách vay 20 triệu đồng, chủ hiệu sẽ ra "luật" 10 ngày là phải trả tiền lãi 1.400.000 đồng, quá 10 ngày sẽ tính 140.000 đồng/ngày/20 triệu đồng. Tương đương 7.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Đặc biệt, nếu khách vay xong, hôm sau có tiền muốn lấy tài sản cầm cố vẫn phải trả số tiền lãi trong vòng 10 ngày, chứ không được tính theo ngày. Trường hợp vay 20 triệu đồng sẽ phải trả 1,4 triệu đồng/10 ngày, nếu 10 triệu đồng là 700.000 đồng/10 ngày. Trường hợp vượt quá số ngày quy định, người vay sẽ tính tiền tiếp trong vòng 10 ngày tiếp theo.
Trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội, một số người dân từng có người trong nhà đi vay cho biết, những hiệu cầm đồ với lãi suất "cắt cổ" như thế cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đa số người dân khu vực huyện Ba Bể đều làm nông nên khi có con em "dính" mỗi lần đi chuộc lại tài sản, với lãi suất theo "luật" do các cửa hàng cầm đồ đưa ra là vượt quá sức lực. Nhiều người đã phải ngậm ngùi bỏ lại tài sản vì lãi suất vượt quá giới hạn tài chính.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Xem thêm video đang được quan tâm: