Bắc Kạn có 01 tác phẩm đạt Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' năm 2023
Ngày 18/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội diễn ra Lễ trao Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam' năm 2023. Giải do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Đến dự Lễ trao giải có: Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Lê Quốc Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV); đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt là các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí có tác phẩm đạt giải.
Ban Tổ chức Giải đã nhận được gần 800 tác phẩm dự thi của 4 loại hình báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình, với sự tham gia của đông đảo phóng viên đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức trao 01 giải Đặc biệt cho nhóm tác giả Phạm Thị Mai, Võ Hoàng Long, Báo điện tử VietnamPlus, với tác phẩm "Thiếu giáo viên khắp cả nước, ngành giáo dục chật vật đổi mới"; trao 04 giải Nhất, 08 giải Nhì, 12 giải Ba và 34 giải Khuyến khích ở các loại hình báo chí cho các tác giả đạt giải.
Báo Bắc Kạn có 01 tác phẩm “Pác Nặm quan tâm xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của tác giả Nông Thị Thúy đạt giải Khuyến khích.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Giải trao giải nhân vật tiêu biểu, ấn tượng cho cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, nhân vật trong tác phẩm "Người truyền “lửa” Then", loại hình báo in của Báo Tuyên Quang và thầy giáo Hoa sĩ Hiền, nhân vật trong tác phẩm “Thầy giáo nông dân”, loại hình Truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang; trao giải Cống hiến cho 04 đơn vị: Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Văn hóa - Xã hội - Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Lao động, Báo Vietnamnet.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn hoan nghênh, ghi nhận và gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các phóng viên nói riêng và cơ quan báo chí trên cả nước nói chung. “Các bạn đã cho chúng tôi thêm một góc nhìn mới về những gì đã, đang và sẽ diễn ra đối với Giáo dục”– Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, các tác phẩm tham dự không chỉ quan tâm đến những vấn đề thiếu giáo viên, chính sách cho nhà giáo, sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, dạy học tích hợp, tâm lý học đường, học phí, chuyển đổi số… Năm nay, nhiều tác phẩm đã khai thác những vấn đề hết sức quan trọng nhưng ít được truyền thông quan tâm như: Giáo dục mầm non, lĩnh vực khoa học cơ bản, xóa mù chữ, văn hóa đọc, giáo dục truyền thống, nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, bất cập trong công tác quản lý.
Bộ trưởng cho rằng, báo chí không chỉ là người đồng hành, phản biện và phát hiện mà còn là “bà đỡ” cho đổi mới và phát triển giáo dục, với sự tham dự, thấu hiểu một cách toàn diện, đầy đủ các góc nhìn, cung bậc rất đa dạng, sự ấm áp tươi tắn của giáo dục đang diễn ra. Sự hỗ trợ và đồng hành của báo chí giúp cho người dân hiểu đầy đủ hơn về những chủ trương, chính sách lớn mà ngành Giáo dục đang triển khai trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
Tại buổi lễ trao giải, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại nhận định: “Những năm tiếp theo, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự ưu ái, quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, nhà giáo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước…”.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Qua 6 năm tổ chức, Giải đã khẳng định được vị trí, uy tín trong các giải thưởng báo chí trên toàn quốc. Số lượng tác phẩm tham gia ngày càng nhiều và chất lượng luôn được nâng cao, có sức lan tỏa.