Bắc Kạn: 'Cổng trời' Pù Lùng khắc khoải chờ mưa
Bấm bàn tay nhẩm tính, cô giáo Nông Thị Diễm, phụ trách điểm trường Nà Bản - Trường Tiểu học Xuân Lạc (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), cho biết, khoảng 5 tháng nay, xã Xuân Lạc không có mưa. 'Nơi đây đang trải qua mùa khô kéo dài chưa từng thấy', cô Diễm cho biết.
![Các cô giáo phải leo dốc quãng đường hơn 500m để đi lấy nước](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_338_51445397/c43b7a004e4ea710fe5f.jpg)
Các cô giáo phải leo dốc quãng đường hơn 500m để đi lấy nước
Nan giải "bài toán" nước sạch
Theo cô Diễm, trước đây, điểm trường Nà Bản - Trường Tiểu học Xuân Lạc vẫn bơm nước từ dưới khe Tà Han về dùng nhưng vào thời điểm này, khe đã cạn kiệt nước, không thể bơm, các thầy cô phải đi xách từng xô nước dưới suối. Mỗi xô nước được lấy đưa về điểm trường, các cô giáo phải di chuyển và leo dốc quãng đường hơn 500m.
Xuân Lạc là xã vùng cao, cách trung tâm huyện Chợ Đồn gần 40km. Nơi đây có địa hình chủ yếu là đồi núi, cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Thế nhưng, theo cô Diễm, thứ người dân nơi đây cần nhất là nước sạch.
Điểm trường Nà Bản có 8 giáo viên (trong đó có 6 nữ, 2 nam) với 5 khối lớp và 154 học sinh. Trước đây, điểm trường chỉ là những phòng học tạm bợ. Vào năm 2011, một đơn vị đã tài trợ nguồn kinh phí để xây mới 5 phòng học, 2 phòng giáo viên, công trình phụ trợ…
Nỗi lo về hạ tầng đến thời điểm hiện tại đã cơ bản được giải quyết nhưng "bài toán" về nước sạch vẫn chưa có lời giải.
Từ điểm trường Nà Bản, di chuyển trên con đường mòn rộng khoảng 40cm để vượt qua con dốc dựng đứng, chúng tôi đến Điểm trường mầm non Pù Lùng 1 (thôn Pù Lùng). So với Nà Bản, tình trạng thiếu nước tại Điểm trường mầm non Pù Lùng 1 còn trầm trọng hơn.
Điểm trường có 2 cô giáo và 29 trẻ. Trên đỉnh núi này, 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đa số là hộ nghèo và cận nghèo. Bên cạnh thiếu thốn về kinh tế, nước ở đây thật sự là quý hơn vàng.
Để có nước sinh hoạt, mỗi ngày cô Triệu Thị Châm, giáo viên tại điểm trường và đồng nghiệp là cô Hoàng Thị Linh phải thay nhau tới nhà thờ nằm ở lưng chừng núi để lấy nước và chở từng can nước 20 lít về dùng. "Nhiều phụ huynh thấy giáo viên vất vả, họ cũng hỗ trợ chở nước nhưng cơ bản vẫn là chúng tôi tự lo liệu", cô Triệu Thị Châm cho biết.
Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Lạc, để tìm nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, chính quyền xã đã nhiều lần mời thợ khoan giếng về khảo sát, tìm nguồn nước.
![Nằm trên núi cao, nhiều thôn của xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đang phải chịu tình trạng thiếu nước dài ngày](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_338_51445397/f4294d12795c9002c94d.jpg)
Nằm trên núi cao, nhiều thôn của xã Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) đang phải chịu tình trạng thiếu nước dài ngày
Thế nhưng, tất cả đến rồi lại đi và "cơn khát" của cả trăm hộ dân ở các thôn Tà Han, Pù Lùng, Thượng Sơn… vẫn cứ kéo dài hết năm này qua năm khác, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Hằng năm, cứ đến mùa khô, người dân nơi đây lại đối diện với tình trạng thiếu nước.
Cách đây hơn 1 tháng, thêm một đội thợ khoan giếng được chính quyền xã Xuân Lạc mời về. Sau quá trình thăm dò, họ cho biết đã tìm ra nguồn nước tại Điểm trường mầm non Pù Lùng 1. Không thể diễn tả được sự vui mừng của người dân, cô và trò cũng như chính quyền xã.
Khi mũi khoan bắt đầu cắm xuống đất, người dân trong vùng bỏ cả công việc để dõi theo với niềm hi vọng lớn. Đáp lại sự mong chờ đó, suốt 2 ngày đêm, thợ khoan làm việc với sự hỗ trợ của người dân và nhiều giáo viên từ các điểm trường.
Thế nhưng, mũi khoan găm vào lòng đất hơn 100 mét nhưng nước vẫn chẳng thấy đâu. Niềm hi vọng vụt tắt khi những người thợ khoan thu dọn đồ đạc xuống núi.
"Nhà tôi ở thôn Pù Lùng nhưng phải ra tận thôn Thượng Sơn để xin nước. Mỗi ngày 4 lần đi chở nước mà cũng chỉ đủ nước sinh hoạt, quần áo phải gom lại 5-6 ngày mới chở đi giặt 1 lần. Khi thợ tiến hành khoan giếng tại Điểm trường mầm non Pù Lùng 1, gia đình tôi và các hộ dân trong bản đều mừng rỡ.
Tuy nhiên, chờ đợi để rồi thất vọng, giếng khoan không có nước, tôi buồn suốt cả tuần. Gia đình tôi là hộ nghèo, muốn nuôi đàn lợn để có thêm thu nhập nhưng không có nước nên cũng đành chịu, thậm chí muốn trồng rau để ăn cũng không thể vì mấy tháng nay không có giọt mưa nào", chị Linh Thị Xoan (28 tuổi) buồn bã nói.
Có giải pháp nhưng…
Ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc, cho biết, trên địa bàn xã có 5 dân tộc sinh sống, gồm: Kinh, Dao, Nùng, Tày và Mông (trong đó đồng bào Mông chiếm hơn 50% dân số). Xã Xuân Lạc có 900 hộ dân, trong đó có 446 hộ nghèo và 104 hộ cận nghèo.
![Giếng khoan hơn 100m tại điểm trường Pù Lùng 1 nhưng không có nước](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_338_51445397/2d67965ca2124b4c1203.jpg)
Giếng khoan hơn 100m tại điểm trường Pù Lùng 1 nhưng không có nước
Các thôn người Mông sống trên đỉnh núi cao như Tà Han, Cốc Slông, đặc biệt là thôn Pù Lùng và Thượng Sơn.
"Là địa bàn chủ yếu đồi núi nên đất sản xuất ở xã Xuân Lạc rất ít, ruộng nước hoàn toàn không có. Với các thôn người Mông, họ trồng ngô là chính. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên theo kiểu chờ trời đợi nước nên mùa được, mùa mất.
Vấn đề nan giải nhất ở Xuân Lạc là nguồn nước. Hai năm nay mùa khô kéo dài khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nước. Tình trạng khô hạn kéo dài đến mức cây to bằng bắp tay, bắp chân cũng héo rũ rồi chết", ông Huy cho hay.
Cũng theo ông Huy, hiện tại các điểm trường và một số thôn trong xã đang gặp khó khăn nghiêm trọng về nguồn nước sạch. Nhà trường và người dân vẫn phải dùng nước từ các khe suối nhưng nguồn nước hiện rất hạn chế.
"Tình hình kinh tế-xã hội của xã rất khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao và điều kiện địa lý bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Việc giải quyết vấn đề nước sạch và phát triển kinh tế-xã hội ở xã đang là một thách thức lớn, trong đó nguồn nước là thách thức lớn nhất", ông Huy thông tin thêm.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc Trần Quang Huy, việc khoan giếng đã được thử nhưng không hiệu quả. Do đó, chính quyền xã đang có ý tưởng dẫn nước từ Khu bảo tồn rừng Nam Xuân Lạc về các thôn, bản.
Tuy nhiên, việc dẫn nước phải đi qua quãng đường khoảng 4-5km, do đó cần nguồn kinh phí lớn. Chính vì "chưa biết lấy kinh phí từ đâu" nên ý tưởng của chính quyền xã Xuân Lạc cũng mới chỉ đưa vào trong kế hoạch mà chưa có đề xuất nào với các cấp có thẩm quyền.
Vị lãnh đạo xã Xuân Lạc cũng khẳng định, các thôn, bản trên cao không có cách nào ngoài việc dẫn nước từ khu bảo tồn về nên dù có tốn kém thì đây vẫn là giải pháp khả thi nhất, nếu có kinh phí thì chắc chắn làm được bởi ở Tuyên Quang cũng đã triển khải giải pháp này.
"Tại Tà Han, hiện tại khe cạn quá nên phải đợi nước đầy lên, các thầy cô ở điểm trường và người dân mới có nước để lấy. Có lúc người dân phải múc từng cốc, chui xuống hang sâu để cõng nước lên.
Năm nay được xem là đỉnh điểm của hạn hán nên các hộ dân thiếu nước trầm trọng, để người dân tự đi tìm nguồn nước cũng là cực chẳng đã. Vì quá khan hiếm nên có nhiều vụ tranh chấp nguồn nước xảy ra khiến chính quyền xã phải vào cuộc để xử lý.
Chúng tôi suốt ngày phải đi giải quyết, rất vất vả. Nhìn cảnh người dân phải đi mấy cây số, ra gần trung tâm xã để giặt giũ, chúng tôi cũng vô cùng xót xa", ông Huy trải lòng.