Bắc Kạn: Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã trở thành một loại hình du lịch mới thu hút du khách, nhất là khách quốc tế với nhu cầu được hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống con người địa phương, cảm nhận những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng.
Du lịch cộng đồng là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch, hay nói cách khác đây là loại hình du lịch trong đó cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch. Loại hình này được phát triển trên cơ sở văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa với giá trị về tinh thần và vật chất vượt xa những loại hình du lịch thông thường.
Theo khảo sát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 25 địa điểm có thể phát triển du lịch cộng đồng, phân bố ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Bể (9 điểm); Na Rì (4 điểm); Chợ Đồn (3 điểm)…
Hiện tại du lịch cộng đồng ở Bắc Kạn mới chỉ hình thành ở một số xã khu vực hồ Ba Bể, với gần 60 hộ đăng ký làm dịch vụ du lịch homestay, tập trung ở các thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, xã Nam Mẫu và xã Khang Ninh, là nơi sinh sống của cộng đồng người dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Mông, hiện còn giữ gìn được nhiều nét văn hóa đặc sắc. Nét văn hóa riêng của cộng đồng các dân tộc nơi đây được tạo nên bởi nhiều yếu tố như: Những nếp nhà sàn, một số vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày, các công cụ lao động, sản xuất và nhạc cụ phục vụ lễ hội. Một số loại hình nghệ thuật dân gian như: Hát Then, đàn Tính của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao, múa khèn của dân tộc Mông…
Khách du lịch đến đây được sống trong những ngôi nhà sàn; thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào, hòa mình vào cuộc sống lao động và không khí rất đỗi yên bình, cảm nhận khí hậu trong lành khác biệt với nơi đô thị nhiều khói bụi. Tuy nhiên loại hình du lịch này ở tỉnh chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu người dân tự làm. Đây là điểm mấu chốt đã và đang được tỉnh tập trung tháo gỡ và đồng hành cùng người dân xây dựng mô hình du lịch cộng đồng một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu du khách.
Thời gian gần đây, các đoàn công tác của tỉnh liên tục đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở một số tỉnh trong khu vực thành công với mô hình du lịch cộng đồng, để khẩn trương thống nhất, hoàn thiện cơ chế chính sách, sớm thông qua Nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đưa vào triển khai.
Các chính sách đang được các cơ quan chuyên môn đề xuất là: Đầu tư hạ tầng đảm bảo các điều kiện phát triển du lịch tại cộng đồng; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa của cộng đồng, vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ người dân học tập kỹ năng chuyên môn phục vụ phát triển du lịch, hỗ trợ kết nối giữa người dân và doanh nghiệp trong đầu tư, quản lý và khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng./.