Bắc Kạn được áp dụng thí điểm chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đã phát sinh một số nội dung chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế về đầu tư phát triển các dự án đường bộ. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Nghị quyết có hiệu lực ngay và kéo dài đến hết ngày 30-6-2025, trong đó Bắc Kạn là một trong những tỉnh, thành phố được áp dụng thí điểm. Những chính sách đặc thù này sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn ở các công trình giao thông mà nhiều địa phương đang gặp khó trong cách xử lý.
Nghị quyết bao gồm năm chính sách đặc thù đối với một số công trình giao thông.
* Chính sách 1: Tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Một số dự án đầu tư theo phương thức này, tỉ lệ vốn của Nhà nước tham gia sẽ được vượt quá 50% tổng mức đầu tư.
Chính sách 2: Thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương.
* Chính sách 3: Các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương.
Chính sách 4: Cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
* Chính sách 5: Sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022.
Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cho biết: Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội vừa ban hành đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc thực hiện nhiều dự án giao thông đường bộ của các tỉnh, trong đó có Bắc Kạn. Cụ thể, Dự án Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Kạn là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn hai tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang. UBND 02 tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai thực hiện Dự án theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang gặp phải vướng mắc về việc bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể như sau:
Theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thì đối với các dự án có tính kết nối, liên vùng phải bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỉnh Bắc Kạn đã bố trí trên 277 tỷ đồng vốn cân đối ngân sách tỉnh để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Bắc Kạn của Dự án.
Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định: “Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác...”. Đối với đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn không thể bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh để chi cho công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến này. Mặt khác, tỉnh Tuyên Quang cũng không thể bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án do tỉnh Bắc Kạn quyết định chủ trương đầu tư.
Trong quá trình triển khai Dự án, UBND hai tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang đã thường xuyên phối hợp, tổ chức làm việc để trao đổi, họp bàn nhưng đến nay chưa có cơ sở để thống nhất phương án bố trí vốn thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang do vướng mắc các quy định nêu trên. Do đó, việc áp dụng cơ chế đặc thù mới được thông qua cho phép tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để thực hiện dự án là hết sức cần thiết.
Cũng theo ông Hòa, đối với Dự án tuyến đường thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang đã được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến bố trí nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 là 1.000 tỷ đồng và Dự án tuyến cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn là gần 3.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực để các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh sớm triển khai trong thời gian tới.
Về nguồn vật liệu, theo Sở Tài nguyên & Môi trường, thực tế các mỏ vật liệu đang khai thác tại địa phương có công suất khai thác nhỏ lẻ, phân tán, không tập trung, trong khi trình tự thủ tục cấp mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản mất rất nhiều thời gian. Do đó, khi áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, giúp cho các bộ, ngành cũng như địa phương bớt gặp khó khăn, hoàn thành dự án theo kế hoạch.
Việc ban hành nghị quyết thí điểm này là hoàn toàn cần thiết. Với các chính sách đặc thù này khi đưa vào áp dụng sẽ giúp các dự án đang triển khai sớm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo kế hoạch để sớm đưa các dự án vào khai thác vận hành, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.