Bắc Kạn hướng đến mô hình trường học hạnh phúc
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, làm thế nào để tạo dựng ngôi trường hạnh phúc đang được ngành Giáo dục tỉnh Bắc Kạn quan tâm chú trọng.
Ban giám hiệu Trường THCS Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) vừa tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh về chủ đề: “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của học sinh để nhà trường, thầy cô, học sinh cùng thay đổi để từ đó phát triển tốt hơn. Tại buổi đối thoại, các em học sinh được trực tiếp đặt câu hỏi, bày tỏ ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của bản thân đến với thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường nhằm xây dựng ngôi trường trở nên thân thiện, tốt đẹp hơn.
Những ý kiến trao đổi được đưa ra khiến buổi đối thoại diễn ra sôi nổi, giúp cho thầy, cô giáo hiểu được suy nghĩ, mong ước của học trò về một ngôi trường an toàn, hạnh phúc. Qua đó cho thấy học sinh đang đồng hành cùng thầy, cô giáo để quyết tâm xây dựng ngôi trường mà các em đang theo học trở thành trường học hạnh phúc.
Theo cô Chu Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Xuân (TP. Bắc Kạn), muốn xây được một môi trường hạnh phúc, trước tiên mỗi nhà trường cần phải xây dựng được một lớp học hạnh phúc lấy học sinh làm trung tâm. Trong lớp học đó, thầy cô tạo được cảm hứng cho học sinh mỗi khi đến trường, làm sao để học sinh không phải mang nỗi lo âu học đường mà thay vào đó cảm thấy thoải mái, thích thú và hứng thú với chuyện đi học. Các hoạt động tại nhà trường không những đáp ứng tốt nhu cầu học tập, rèn luyện một cách toàn diện, mà ở đó còn có tình yêu thương, niềm vui giữa thầy, trò, bè bạn dành cho nhau…
Với ý nghĩa đó, năm học 2023- 2024, Trường THCS Đức Xuân đã và đang nỗ lực thực hiện để xây dựng nhà trường trở thành ngôi trường mà ở đó cả giáo viên và học sinh có cơ hội phát triển toàn diện, có hành vi, tâm hồn đẹp, nơi luôn có sự yêu thương, an toàn và tôn trọng.
Năm học 2023-2024, Trường Mầm non Sỹ Bình (Bạch Thông) thực hiện chủ đề năm học “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”. Theo đó, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các nhóm lớp xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú và sự phát triển của từng cá nhân trẻ; xây dựng môi trường giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; khai thác sử dụng có hiệu quả môi trường vật chất trong lớp, ngoài trời hiện có; tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn.
Cô giáo Nông Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sỹ Bình cho biết: Để giúp trẻ thêm yêu trường, mến lớp, gắn bó với ngôi nhà chung là trường mầm non, nhà trường đã thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về thể chất và tâm lý cho trẻ. Trẻ thường xuyên được giao tiếp trong mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh, giữa trẻ và cô giáo, qua đó tạo một môi trường vui chơi, học tập thực sự tin cậy, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tạo cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên được phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân; mọi thành viên luôn được quan tâm, động viên, giúp đỡ để cùng nhau thay đổi và tiến bộ.
Mặc dù chưa có tiêu chí cụ thể, song các trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Mục tiêu hướng tới xây dựng một trường học hạnh phúc, ở đó học sinh, thầy cô giáo thực sự có giá trị và được yêu thương, tôn trọng./.