Bắc Kạn không để người có công khó khăn về nhà ở
Những năm qua, với sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và các nhà hảo tâm, hàng nghìn hộ gia đình chính sách, người có công tại Bắc Kạn đã được hỗ trợ làm mới hoặc sửa chữa nhà cửa. Dù nguồn lực tài chính còn eo hẹp nhưng địa phương này xác định mục tiêu không để bất cứ hộ gia đình chính sách nào phải chịu khó khăn về nơi ở.
Mùa mưa bão năm nay, gia đình cựu chiến binh Phạm Xuân Thường (tổ 12, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn) đã không còn lo lắng nữa. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, của Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Bắc Kạn và sự chung tay hỗ trợ của những đồng đội trong Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn, tháng 5 vừa qua, cựu chiến binh Phạm Xuân Thường đã có căn nhà xây kiên cố. Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sức khỏe người lính già mỗi năm mỗi yếu thêm, vợ ông lại đau ốm thường xuyên nên gia cảnh khó khăn. Căn nhà hoàn thành, cũng là lúc ông bệnh nặng phải nằm một chỗ, nhưng có lẽ ông cũng an tâm hơn khi vợ, con đã có ngôi nhà khang trang vững chãi.
“Nhà tôi khó khăn lắm, nhưng từ khi được hỗ trợ làm nhà thì đỡ hơn, trước nhà lụp sụp, mưa dột gió lúa rất vất vả, từ khi làm nhà bố mẹ tôi vui lắm”, chị Phạm Thị Quý, con dâu cựu chiến binh Phạm Xuân Thường chia sẻ.
Năm 2018, cựu chiến binh Lưu Minh Trọng và vợ là một cựu thanh niên xung phong ở thôn Boóc Khún, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) cũng hoàn thành mong ước từ bao năm: Có được ngôi nhà xây nền lát đá hoa, tường gạch và mái lợp tôn cách nhiệt thay cho ngôi nhà gỗ lụp xụp, dột nát khi mưa nắng. Ông Lưu Minh Trọng cho biết: Là cựu chiến binh có 9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiễm chất độc hóa học, sức khỏe kém nên ở tuổi ngoài 70, việc xây dựng được một ngôi nhà kiên cố là điều thật khó. Vậy nhưng mong ước này cũng được thực hiện với sự hỗ trợ gồm 40 triệu đồng (theo Nghị quyết 63/2017 của Chính phủ) và hàng trăm ngày công của các lực lượng xã Quang Thuận tháo dỡ nhà cũ, san gạt nền móng, vận chuyển vật liệu rồi giám sát xây dựng...
“Trung ương cho tiền, còn chính quyền cho nhân lực, từ bên quân sự xã, Chủ tịch UBND xã đến Bí thư Đảng ủy xã đã đến giúp đỡ gia đình, gia đình thật sự cám ơn. Tôi già rồi, được thế này thì hạnh phúc quá rồi, thực sự là quá yên tâm rồi”, ông Lưu Minh Trọng phấn khởi.
Cùng niềm vui như ông Thường, ông Trọng, chỉ từ năm 2013 đến nay, hơn 2.000 hộ gia đình là những người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, thương, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam… khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ làm nhà hoặc sửa chữa nhà ở theo các Quyết định số 22/2013 và Quyết định 63/2017 của Chính phủ. Ngoài ra, hàng trăm căn nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa của địa phương, từ sự chung tay góp sức của các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm... đã được xây dựng. Tính riêng từ 2021 đến nay, hơn 100 căn nhà đã được sửa chữa, làm mới nhằm đảm bảo các hộ chính sách được ở trong những ngôi nhà vững chắc, không còn cảnh mưa dột, gió lùa.
Ông Triệu Văn Ngô, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn cho biết, bên cạnh hỗ trợ tiền mặt, các địa phương, tổ chức đoàn thể đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực như giúp đỡ ngày công, hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng… để giảm thiểu chi phí xây dựng.
“Với các đồng chí nhà cửa dột nát, khó khăn, Tỉnh hội chúng tôi đã phát động quyên góp quỹ hỗ trợ, đến nay đã cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn 1 đồng chí do đã qua đời nên chưa làm được nhà. Ngoài ra, các cấp hội chúng tôi đều có vận động anh em cấp hội thăm hỏi, động viên các bác ấy là chính, ngoài ra có một chút hỗ trợ vật chất từ đóng góp của anh em hội viên”, ông Triệu Văn Ngô cho biết.
Qua rà soát mới đây, Bắc Kạn có thêm 280 hộ gia đình chính sách, người có công cần hỗ trợ sửa chữa, cải tạo và làm mới nhà cửa. Với việc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được đẩy mạnh, địa phương này sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên chăm lo cho các gia đình chính sách về nhà ở.
“Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp, nguồn xã hội hóa và các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ. Mục tiêu sẽ ưu tiên hộ có công hoàn cảnh khó khăn và khó khăn về nhà ở. Sau đấy sẽ cố gắng hỗ trợ toàn bộ các hộ còn lại. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu Phòng Lao động, thương binh và xã hội các cấp thường xuyên rà soát, lên danh sách các hộ khó khăn về nhà ở để kịp thời có biện pháp hỗ trợ cần thiết”, bà Ma Thị Duyên, Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bắc Kạn thông tin.
Dù là tỉnh vùng cao khó khăn nhất cả nước, nhưng Bắc Kạn đang làm hết sức mình, không để bất cứ hộ gia đình người có công nào phải chịu khó khăn về nhà ở và đảm bảo cho các hộ có cuộc sống đạt từ mức trung bình trở lên. Đó cũng là thể hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bac-kan-khong-de-nguoi-co-cong-kho-khan-ve-nha-o-post1110204.vov