Bắc Kạn: Một số kết quả thực hiện Đề án 'Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025
Thực hiện quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án năm 2022 và đạt được một số kết quả.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại
Theo báo cáo của Ban dân tộc tỉnh, Bắc Kạn có trên 88% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tập quán tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con, sinh dày vẫn còn tồn tại ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Đây là nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm chất lượng dân số, thất học, khó giảm nghèo.
Thực trạng trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng cụ thể: Từ năm 2021 đến tháng 10/2023 toàn tỉnh đã xảy ra 235 cặp kết hôn sớm/ 4.137 cặp đăng ký kết hôn (chiểm 5,6% so với kết hôn đúng độ tuổi), 01 trường hợp hôn nhân cận huyết thống; Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thường xảy ra ở nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, độ tuổi tảo hôn phổ biến từ 16 đến 19 tuổi đối với nam và từ 14 đến 17 tuổi đối với nữ.
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Thực tế cho thấy, tỉnh có tỷ lệ nghèo cao, đồng thời tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng gia tăng. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của nghèo đói, thất học và suy giảm chất lượng cuộc sống.
Đối với giáo dục, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là rào cản đối với việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã cam kết thực hiện với Liên Hợp Quốc: giảm tình trạng đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng nam nữ, giảm tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Một số kết quả thực hiện Đề án 498
Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ thôn, các tổ chức chính trị xã hội, người uy tín trong cộng đồng và người dân về các quy định pháp luật, thực trạng, hậu quả và hệ lụy của vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tạo sự đồng thuận trong xã hội mọi người dân cùng chung tay ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các xã vùng sâu vùng xa và 11 mô hình điểm, nơi có nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn cao. Truyền thông qua báo đài của tỉnh về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các nội dung liên quan đến hôn nhân và gia đình đến đông đảo người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời nêu gương các gương người tốt việc tốt; phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức 11 cuộc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa như tìm hiểu kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình thông qua các tiểu phẩm, phát băng đĩa hình….
Tổ chức triển khai 03 lớp tập huấn về Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, kỹ năng giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình…. với 300 người tham gia; tổ chức 01 Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác gia đình; phòng chống bạo lực gia đình tại Thành phố Bắc Kạn thu hút trên 300 khán giả đến cổ vũ.
Ngành Y tế của tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện lồng ghép các hoạt động tư vấn, can thiệp y tế và các chương trình kế hoạch hóa gia đình để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; tuyên truyền các nội dung về công tác dân số trong tình hình mới như: Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở đồng bào dân tộc thiểu số, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống….Tổ chức 14 buổi tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả, tầm quan trọng của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh,; 7 cuộc tuyên truyền nội dung về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, giáo dục giới tính; tảo hôn và kết hôn cận huyết về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh trung học phổ thông với hơn 4.000 các em học sinh tham gia.
Bên cạnh đó tỉnh cũng thực hiện lồng ghép vào hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, từ đầu năm đã tiếp nhận và thực hiện 907 vụ việc/907 lượt người có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, trong đó có nội dung liên quan đến hôn nhân gia đình, đối tượng người dân tộc thiểu số là 627 người.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phụ nữ trẻ em được 488 cuộc cho 25.333 hội viên; duy trì 280 các mô hình, lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa hoạt động hòa giải cộng đồng, các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; câu lạc bộ không có người vi phạm pháp luật... nhằm nâng cao nhận thức, lối sống, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đống bào dân tộc thiểu số thu hút hơn 10.930 thành viên tham gia sinh hoạt.
Để kịp thời cung cấp thông tin, kiến thức về hôn nhân, gia đình và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền tại cơ sở, năm 2021, 2022 Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, Ban Chỉ đạo xã thực hiện mô hình điểm biên soạn và phát hành 3.000 cuốn Bản tin "Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" (cấp cho Ban Chỉ đạo cấp xã, Nhóm Nòng cốt, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, trường học của 11 mô hình điểm Đề án) để tuyên truyền trực tiếp đến người dân, học sinh...Nội dung cuốn bản tin đảm bảo ngắn gọn, cung cấp thông tin, kiến thức về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giới thiệu về những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân và những tập tục có hại trong hôn nhân cần vận động xóa bỏ...
Trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì triển khai hoạt động của 11 mô hình điểm Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số" giai đoạn 2015-2020 tại các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm, Chợ Đồn, Na Rì (01 mô hình tại trường học và 10 mô hình tại các xã ĐBKK).