Bắc Kạn nguy cơ 'vỡ' kế hoạch giải ngân dự án trọng điểm
Mặc dù đã bước sang quý IV/2023 nhưng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Kạn hiện mới đạt gần 40%. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này được chỉ ra là vướng mắc thủ tục đầu tư khiến các dự án trọng điểm, chiếm tỉ lệ nguồn vốn lớn chậm triển khai.
Dự án xây dựng tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là công trình trọng điểm, chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Kạn trong năm 2023. Nhưng đến thời điểm này tỉ lệ giải ngân chưa đến 20% trong khoảng 1.000 tỉ đồng cần giải ngân năm nay; riêng đoạn từ hồ Ba Bể sang huyện Na Hang (Tuyên Quang) chiều dài trên 37km vẫn chưa hoàn tất thủ tục đầu tư. Lý do là có gần 8km đi qua tỉnh Tuyên Quang, trong khi quy định hiện hành không cho phép chủ đầu tư dự án là tỉnh Bắc Kạn được sử dụng ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng sang tỉnh khác.
Tỉnh Bắc Kạn đã có kiến nghị với Trung ương về việc được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho phép HĐND tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Tuyên Quang thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đây cũng là vướng mắc chung của một số dự án liên vùng, dự án giao thông đường bộ qua 2 địa phương nhưng do 1 địa phương chủ quản dự án.
Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Kạn cho hay: “Hiện tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành phối hợp với các đơn vị của tỉnh Tuyên Quang thực hiện các thủ tục chuyển đổi rừng, đất đai, đánh giá tác động môi trường, thực hiện các khung chính sách giải phóng mặt bằng, hiện đã cơ bản hoàn thành, để chờ khi Nghị quyết Quốc hội cho phép thực hiện thì sẽ kịp thời triển khai”.
Bên cạnh đó, hầu hết các dự án tại Bắc Kạn cần thời gian để thực hiện thủ tục liên quan đến đất rừng, nhất là rừng tự nhiên. Bởi với tỉ lệ che phủ rừng 73,4%, cao nhất cả nước, hầu hết các dự án trọng điểm của địa phương này đều ít nhiều có liên quan đến việc phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này đã khiến thủ tục đầu tư kéo dài hơn, thậm chí nhiều dự án của Bắc Kạn phải điều chỉnh để tránh đất rừng tự nhiên.
Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Bắc Kạn cho biết, tháng 6/2023, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường lâm nghiệp của tỉnh, trong đó có nhiều tuyến đã phải đưa ra khỏi quy hoạch do vướng đất rừng tự nhiên. Đây cũng là một phần lý do khiến hơn 200km đường lâm nghiệp của năm 2023 hiện mới chuẩn bị hoàn tất thủ tục đầu tư và dự kiến chỉ có thể triển khai từ tháng 11 tới.
Ông Đinh Huy Hoàng cho hay: “Đối với các tuyến đường, vừa qua khi thực hiện rà soát quy hoạch, chúng tôi phối hợp với Sở NN&PNT, lực lượng Kiểm lâm đã rà soát, đưa hầu hết các tuyến ra khỏi khu vực có rừng tự nhiên hoặc rừng phòng hộ. Hiện nay các tuyến chủ yếu đi qua khu vực đất rừng sản xuất”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Bắc Kạn nêu quan điểm: “Thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thì bắt buộc một mét vuông rừng tự nhiên cũng phải chuyển về Thủ tướng. Trong khi đó với Bắc Kạn với các tuyến giao thông thì không thể tránh khỏi rừng tự nhiên. Có khu vực hồ sơ là rừng nhưng thực tế hiện trường chỉ còn lau, đất trống nhưng hồ sơ vẫn là rừng.
Thứ hai đó là thẩm quyền, hạn mức của HĐND cấp tỉnh trong nhiều nội dung rất hạn chế, nếu vượt hạn mức thì vẫn phải báo cáo cấp có thẩm quyền cao hơn. Do đó, nếu các thủ tục được đẩy nhanh hơn, phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, chủ động hơn cho địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thì chắc chắn tiến độ dự án nói chung sẽ nhanh hơn rất nhiều”.
Năm 2023, Bắc Kạn có tổng vốn đầu tư công hơn 3.900 tỉ đồng, trong đó có hơn 1.000 tỉ đồng vốn kéo dài của năm 2022. Tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các bước thủ tục đầu tư, với các dự án đã lựa chọn xong nhà thầu yêu cầu tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, báo cáo tiến độ, khối lượng công việc và những khó khăn, vướng mắc theo từng tuần để kịp thời xử lý.