Bắc Kạn phát triển du lịch văn hóa

Bắc Kạn, vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích khám phá. Với bề dày lịch sử và nền văn hóa đa dạng của 07 dân tộc anh em cùng sinh sống, Bắc Kạn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương.

 Lễ hội văn hóa truyền thống Chợ tình Xuân Dương.

Lễ hội văn hóa truyền thống Chợ tình Xuân Dương.

Bắc Kạn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn và các thôn bản văn hóa du lịch với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và các giá trị văn hóa phong phú. Hồ Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, được UNESCO công nhận là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới. ATK Chợ Đồn lại là một địa điểm lịch sử quan trọng, nơi ghi dấu những hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bên cạnh những danh thắng tự nhiên, hệ thống các lễ hội đa dạng, độc đáo trải đều bốn mùa trong năm như lễ hội Lồng tồng bản Pjoo, lễ hội xuân Ba Bể, lễ cầu mùa của người Dao… Lễ hội Mù Là (Pác Nặm); Hội xuân An toàn khu Chợ Đồn và Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông. Lễ cấp sắc của người Dao, hay các phong tục tập quán của người Tày, Nùng, đều là những nét đặc trưng văn hóa độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa, UBND tỉnh Bắc Kạn đã triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ cho các địa phương bảo tồn, lưu giữ kiến trúc nhà ở truyền thống, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa kết hợp với phát triển du lịch. Đây là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cho việc xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch mang đậm bản sắc dân tộc.

Bên cạnh việc bảo tồn kiến trúc truyền thống, các thôn bản văn hóa du lịch cũng cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo như homestay, ẩm thực đặc trưng. Đặc biệt, việc xây dựng các câu lạc bộ văn nghệ dân gian như hát then, đàn tính, sli lượn không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn là điểm nhấn thu hút du khách.

Các hợp tác xã du lịch cộng đồng đang được khuyến khích phát triển, với mô hình kinh doanh gắn kết giữa du lịch trải nghiệm văn hóa và nông nghiệp. Du khách có thể tham gia trải nghiệm trồng và thu hoạch Bí xanh thơm và khám phá những nét văn hóa truyền thống của bà con dân tộc Dao tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể hay khám phá vườn dâu tây và thưởng thức những nét văn hóa đặc sắc của bà con quanh vùng hồ Ba Bể ở thôn Cọn Poỏng, xã Nam Cường (Chợ Đồn)… Đây là những hoạt động vừa thú vị, vừa giúp du khách hiểu rõ hơn về đời sống và văn hóa của người dân địa phương.

Bà Đàm Quỳnh Mai, chủ Homestay Quỳnh Mai, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: Chúng tôi luôn coi trọng việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc của tỉnh Bắc Kạn. Khi du khách đến homestay của chúng tôi, họ có cơ hội trải nghiệm sâu sắc những nét văn hóa độc đáo của người Tày, Nùng như múa bát, hát sli, hát lượn, hát then, đàn tính... mang đậm ý nghĩa văn hóa, truyền tải những câu chuyện, tâm tư của người dân bản địa qua từng điệu múa, từng câu hát. Du khách thường rất hứng thú khi được tham gia vào các hoạt động này, bởi đó là cách tuyệt vời để họ hiểu thêm về cuộc sống và tâm hồn của người dân nơi đây….

Tuy nhiên, Bắc Kạn cũng đang đối mặt với một số thách thức trong việc phát triển du lịch văn hóa, như việc bảo tồn di sản trong bối cảnh hiện đại hóa, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong ngành du lịch. Để khắc phục những khó khăn này, Bắc Kạn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào việc phát triển du lịch bền vững.

Với những tiềm năng lớn, Bắc Kạn đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch văn hóa của Việt Nam. Việc phát triển du lịch văn hóa không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống mà còn tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Mộc Lan

Mộc Lan

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/bac-kan-phat-trien-du-lich-van-hoa-post65553.html