Bắc Kạn, từ mạch nguồn cách mạng

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Kạn là một trong những căn cứ địa cách mạng với An toàn khu Chợ Ðồn, nơi sống và làm việc của Bác Hồ, nơi đứng chân của Trung ương Ðảng, Chính phủ.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Kạn là một trong những căn cứ địa cách mạng với An toàn khu Chợ Ðồn, nơi sống và làm việc của Bác Hồ, nơi đứng chân của Trung ương Ðảng, Chính phủ.

Nhân dân các dân tộc nơi đây đã sớm giác ngộ, tham gia cách mạng, hết lòng góp sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong 75 năm qua, truyền thống cách mạng quý báu ấy đang tiếp tục được phát huy.

Những ngày thu tháng 8-2020, đồng bào các dân tộc ở Bắc Kạn lại nhớ về những ngày tháng tám lịch sử năm 1945. An toàn khu Chợ Ðồn với 24 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được chỉnh trang để đón du khách về nguồn. Hòa chung với phong trào cách mạng sục sôi cả nước vào năm 1945, Bắc Kạn vinh dự được đón Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp khi Người đi sang Tuyên Quang. Tháng 5-1945, tại Cò Luồng, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, hội nghị Tỉnh ủy Bắc Kạn đã thảo luận huấn thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và quyết nghị củng cố, thành lập thêm các đơn vị vũ trang, đẩy mạnh cao trào kháng Nhật cứu nước.

Từ tháng 4 đến tháng 8-1945, quân và dân tỉnh Bắc Kạn liên tục nổi dậy đánh phát-xít Nhật ở nhiều nơi, như: đồn Cao Kỳ, Chợ Mới (Chợ Mới); đồn Phủ Thông, Nà Hoan, Lanh Chang, Lục Bình, Nà Ðinh (Bạch Thông); đồn Ngân Sơn (Ngân Sơn); phục kích chặn đánh địch ở Dương Phong (Bạch Thông) và trên dọc quốc lộ 3 đoạn từ Nà Phặc đến Lãng Ngâm, Hương Nê, Ðèo Giàng (Phủ Thông). Những thắng lợi này góp phần mở rộng, giữ vững vùng giải phóng, lập ra Ủy ban lâm thời châu Chợ Rã, Chợ Ðồn, Bạch Thông, Na Rì. Thực hiện Lệnh tổng khởi nghĩa của Quốc dân đại hội Tân Trào và chủ trương của Tỉnh ủy, sáng 19-8-1945, theo đề nghị của quân Nhật, đại diện Quân giải phóng đã gặp và yêu cầu bàn giao bộ máy tay sai cấp tỉnh, kho tàng, vũ khí, công sở. Ngày 21-8-1945, các đơn vị quân giải phóng, lực lượng tự vệ và nhân dân vùng giải phóng tiến vào thị xã, xóa bỏ chính quyền tay sai của Nhật. Ngày 23-8-1945, đoàn xe chở 400 quân Nhật rút khỏi thị xã Bắc Kạn, toàn tỉnh Bắc Kạn sạch bóng quân thù.

Chúng tôi về huyện Bạch Thông những ngày đầu tháng 8-2020, địa phương giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với những trận đánh lịch sử trong giai đoạn 1945 - 1950, như: Trận công đồn Phủ Thông, trận đánh công kiên đầu tiên của quân đội ta vào năm 1948; trận Ðèo Giàng vào năm 1947, trận đánh phục kích quy mô lớn nhất so với trước đó… Những ngày thu này, Ðèo Giàng vẫn như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi, ôm ấp hai bên bởi những sải rừng thông.

Bí thư Huyện ủy Bạch Thông Ðồng Văn Lưu cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, những năm qua, Bạch Thông đã trở thành địa phương đi đầu trong cả tỉnh về xây dựng nông thôn mới và phát triển cây ăn quả. Ðến nay, toàn huyện có 1.570 ha cây cam, quýt, trong đó, hơn 1.250 ha đã cho thu hoạch, giá trị đạt hơn 100 tỷ đồng/năm; các loại cây, gồm: Chè, ổi, hồi cho doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm; huyện đã có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Huyện có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, gồm: Quân Bình (nay là xã Quân Hà), Cẩm Giàng, Quang Thuận, Tân Tiến, Phương Linh. Các xã còn lại đều đạt từ năm tiêu chí trở lên.

Huyện Chợ Ðồn vinh dự là địa phương được Bác Hồ, Trung ương Ðảng, Chính phủ lựa chọn là An toàn khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùng An toàn khu nay cũng đã đổi thay. Các xã trong vùng, gồm: Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bình Trung là một trong những vùng phát triển kinh tế lâm nghiệp đứng đầu cả tỉnh. Bí thư Ðảng ủy xã Bình Trung Bàn Văn Bình phấn khởi cho biết: Trên địa bàn xã có nhà máy chế biến đũa gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn giúp người dân tiêu thụ gỗ keo, gỗ mỡ với giá gấp đôi trước đây. Nhờ trồng rừng, đời sống của nhân dân các dân tộc nơi đây đã đổi thay rõ rệt. Các xã trong vùng ATK mở rộng diện tích trồng tre, luồng, nứa lấy măng, mỗi vụ thu về hơn 30 tỷ đồng. Người dân cũng phát triển mạnh trồng cây lá dong, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 10 đến 20 triệu đồng/năm. Ba năm gần đây, các xã bảo tồn, nhân rộng trồng cây trà hoa vàng, sản phẩm được Hợp tác xã Hòa Thịnh (xã Nghĩa Tá) bao tiêu, chế biến, giá bán 10 triệu đồng/kg.

Trong 5 năm qua, Chợ Ðồn đã vươn lên trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh. Tiếp nối truyền thống cách mạng, nhiệm kỳ tới, Chợ Ðồn đặt mục tiêu thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 28.000 tấn, bình quân lương thực hơn 500 kg/người/năm, diện tích trồng lúa 4.200 ha, trong đó có 2.000 ha sử dụng giống lúa đặc sản, chất lượng, diện tích gắn với tiêu thụ sản phẩm là 100 ha; duy trì và phát triển 30 sản phẩm OCOP; trồng mới 2.500 ha rừng, duy trì độ che phủ rừng hơn 80%... Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ðảng bộ huyện xác định là phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong đó tập trung xây dựng, nâng cấp một số điểm di tích ATK và cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch; xây dựng mô hình làng nghề thủ công truyền thống để sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, kết hợp việc xây dựng làng văn hóa cộng đồng tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK- Chợ Ðồn.

ÒN nhiều khó khăn, nhưng 5 năm gần đây, với truyền thống cách mạng kiên trung, một lòng theo Ðảng, Bắc Kạn đã có những bước tiến vượt bậc trong xây dựng Ðảng, phát triển kinh tế, xã hội. Bắc Kạn là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt, sớm, hiệu quả nhất việc tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả; đứng thứ hai cả nước về triển khai Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP); đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng… Những cánh rừng trước đây che chở cho Trung ương Ðảng, Chính phủ, quân đội ta nay tiếp tục được bảo vệ và phát huy giá trị kinh tế.

Giai đoạn 2015 - 2020, tăng trưởng kinh tế của Bắc Kạn đạt 6,6%/năm; GRDP đạt hơn 11.800 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 37 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015. Toàn tỉnh trồng mới hơn 32.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72,6%, cao nhất cả nước. Bắc Kạn là một trong những tỉnh đi đầu về thực hiện Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, đã có 124 sản phẩm có lợi thế, đã công nhận, cấp sao cho 37 sản phẩm. Một số sản phẩm được xuất khẩu, tiêu thụ tại các siêu thị lớn, như: miến dong, gạo nếp Khẩu nua lếch, tinh bột nghệ nano cucurmin… Ðáng chú ý, tháng 7-2020, lần đầu Bắc Kạn đã xuất khẩu miến dong sang thị trường châu Âu. Toàn tỉnh có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 12,5 tiêu chí, vượt kế hoạch đề ra…

Phát huy truyền thống cách mạng, giai đoạn 2020 - 2025, Bắc Kạn đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt khoảng 7%/năm; trồng mới rừng 17.500 ha; tăng thêm 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành cơ bản đường giao thông phục vụ du lịch, gồm: Quốc lộ 3 đoạn từ Chợ Mới tới TP Bắc Kạn; đường từ TP Bắc Kạn đi hồ Ba Bể…

Tỉnh quyết tâm phát triển, nâng cao giá trị kinh tế nông, lâm nghiệp; phát triển mạnh công nghiệp chế biến; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bac-kan-tu-mach-nguon-cach-mang-613422/