Bắc Kạn vực dậy Khu công nghiệp Thanh Bình

Sau hơn 10 năm hoạt động kém hiệu quả, thời gian gần đây, nhờ chuyển đổi trọng tâm thu hút đầu tư, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước vực dậy Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới - khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất của tỉnh hiện nay.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam trong khu công nghiệp Thanh Bình.

Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam trong khu công nghiệp Thanh Bình.

Cách đây 15 năm, với kỳ vọng tạo nên sức bật cho phát triển công nghiệp của tỉnh, Khu công nghiệp Thanh Bình đã được tỉnh Bắc Kạn đầu tư xây dựng tại huyện Chợ Mới. Với diện tích quy hoạch hơn 100 ha, trong đó đã xây dựng giai đoạn 1 hơn 73 ha, Bắc Kạn đặt mục tiêu thu hút các nhà đầu tư nhiều nhà máy chế biến khoáng sản có tầm cỡ.

Cùng với đó, nhiều dự án vài trăm tỷ đã được đăng ký triển khai tại khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, như: dự án chế biến khoáng sản của Công ty Cổ phần Vạn Lợi (sau đổi tên thành Công ty Kim Sơn); nhà máy chế biến sắt xốp của Công ty Cổ phần thiết bị toàn bộ Matexim; nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty Cổ phần Sahabak... Tuy nhiên, phần lớn các dự án này triển khai ì ạch, sau đó tạm dừng hoặc sản xuất kém hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian dài hơn 12 năm qua, nhiều diện tích “đất vàng” trong khu bị bỏ hoang, tranh chấp pháp lý kéo dài.

Xác định “vực dậy” Khu công nghiệp Thanh Bình là nhiệm vụ quan trọng, 3 năm lại đây, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo chuyển hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp với trọng tâm công nghiệp chế biến nông lâm sản. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sát sao hơn để khắc phục tình trạng “đón” phải nhà đầu tư không có năng lực.

Sau 4 năm, từ 2018 đến nay, diện mạo Khu công nghiệp Thanh Bình đã khởi sắc. Khu đã có 4 doanh nghiệp lớn sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu, như: Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hồng Ngọc, Công ty TNHH gỗ ép Anh Bình. Tổng số lao động hiện tại hơn 1.000 người, các doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu tuyển thêm lao động.

Hiện có 7 dự án đang đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Bình thì đều trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ. Các dự án kỳ vọng sẽ khai thác tối đa tiềm năng về gỗ nguyên liệu rất rộng lớn của Bắc Kạn như: Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp của Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long; Dự án sản xuất ván sàn Container-LVL của Công ty Cổ phần VOT; Dự án Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp Công ty Cổ phần Đầu tư và Quốc tế Tre Việt; Dự án sản xuất ván gỗ dán của Công ty TNHH Thành Khôi; Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép của Công ty Cổ phần Gỗ công nghiệp và xây dựng Thành Mạnh; Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép của Công ty TNHH Mừng Hằng An Bình.

Lần đầu tiên từ khi đi vào hoạt động, đến nay Khu công nghiệp Thanh Bình đã cơ bản phủ kín diện tích, tạo thành một khu công nghiệp chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông-lâm nghiệp, tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Hiện tại, số lao động địa phương tại khu công nghiệp chiếm khoảng 80% với thu nhập bình quân đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu công nghiệp đạt kết quả cao. Sản lượng gỗ dán đạt hơn 100.446 m3; thực phẩm chế biến từ mơ, gừng, kiệu, rau cải 1.090 tấn; bột đá thạch anh 16.000 tấn; chiết nạp gas hơn 600 tấn... Tổng doanh thu hơn 1.030 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 triệu USD; nộp ngân sách hơn 28 tỷ đồng. Nhờ hoạt động tốt của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, lần đầu tiên từ trước tới nay, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Kạn đạt con số vài chục triệu USD.

 Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra quy hoạch sử dụng đất tại Khu công nghiệp Thanh Bình.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra quy hoạch sử dụng đất tại Khu công nghiệp Thanh Bình.

Phó Giám đốc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn Nông Đình Huân cho biết, năm 2021 là năm hoạt động đạt hiệu quả cao nhất từ khi thành lập khu công nghiệp đến nay. Hoạt động của khu đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, sản xuất, chế biến chủ yếu hàng nông-lâm sản nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm.

Những thành công này là tiền đề để Bắc Kạn thúc đẩy mở rộng Khu công nghiệp Thanh Bình trong giai đoạn tới. Bắc Kạn hiện đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I (73,5 ha), chuẩn bị mở rộng thêm theo quy hoạch (51 ha), đồng thời đầu tư hạ tầng kỹ thuật giai đoạn II với quy mô diện tích 80,3 ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên cho biết, Bắc Kạn tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đang hoạt động trong khu công nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng. Tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, hạn chế các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quan tâm thu hút các nhà đầu tư lớn đã khẳng định thương hiệu; thu hút các dự án đầu tư mang tính liên kết vùng, chuỗi cung ứng, các dự án công nghiệp mang tính lan tỏa.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Khu công nghiệp Thanh Bình đã chấp thuận một số dự án đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, trong đó có dự án Nhà máy sản xuất ván ép công nghiệp của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long với mục tiêu sản xuất gỗ dán mặt Brich làm nội thất và ván ép phủ phim công suất 50.000 m3/năm; dự án Nhà máy sản xuất ván sàn Container-LVL công suất 34.320 m3/năm.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, định hướng thu hút đầu tư là phải gắn liền với hiệu quả kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường. Tỉnh đang đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư vào Khu công nghiệp Thanh Bình. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút khoảng 20 dự án đầu tư mới vào khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt hơn 2.150 tỷ đồng.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-lam-an/bac-kan-vuc-day-khu-cong-nghiep-thanh-binh-690994/