'Bắc Kim Thang': Những cái sai trong phiên bản 'nhàm' của A Tale of Two Sisters
Bắc Kim Thang là trường hợp phim hiếm hoi khi dù ai khen chê thế nào thì cũng đều đúng và chấp nhận được.
Phim kinh dị Việt Bắc Kim Thang đang nhận được vô sô những ý kiến trái chiều từ khán giả, khi người khen thì khen nức nở, còn kẻ chê thì chê đến khó mà đỡ được. Sở hữu dàn diễn viên gạo cội có đầy đủ thực lực cùng một nhan đề gây hứng thú và tò mò tột độ, Bắc Kim Thang lại không hề xuất sắc như kì vọng khi mang đến một bài toán tâm lý được giải quyết vụng về, những nút thắt gây hoang mang và chứa đầy thiếu sót, khiến phim bị ví như một “phiên bản lỗi” đáng tiếc của tựa phim Hàn Quốc đình đám A Tale of Two Ststers.
Bên cạnh những điểm cộng về mặt thẩm mỹ, xây dựng bối cảnh miền Tây đầy thân thuộc nhưng vẫn mang giá trị nghệ thuật cao, cũng như dàn diễn viên dày dặn kinh nghiệm như NSƯT Phi Điểu, Trung Dân, Duy Phương, Bích Hằng, Hữu Tiên,… thì Bắc Kim Thang gây tiếc nuối ở nhiều phương diện khác, phần lớn đến từ chính cách truyền tải một kịch bản có sức nặng lên thành phim.
Poster chính thức của Bắc Kim Thang.
Nửa đầu phim quá chậm
Bắc Kim Thang lấy bối cảnh tại miền Tây thập niên 90, xoay quanh gia đình nọ chào đón đứa cháu đích tôn Thiện Tâm (Trịnh Tài) trở về sau một đợt trị bệnh kéo dài trên thành phố. Chứng kiến sự biến mất bí ẩn của cô em gái Hai Lầm (Minh Hy), Thiện Tâm quyết định lần theo những dấu vết nhỏ nhất để vén màn bí mật mà cả gia đình cậu đang che giấu.
Việc từng được chiếu tại LHP Busan không đồng nghĩa rằng Bắc Kim Thang là một tựa phim tâm lý kinh dị toàn diện, tuy rằng đã có những khoảnh khắc phim hoàn toàn có thể hút hồn người xem. Mang thời lượng 90 phút, sản phẩm điện ảnh của đạo diễn Trần Hữu Tấn mất kha khá thời gian để đi vào những nút thắt chính. Cụ thể, đoạn đầu phim khi Thiện Tâm trở về nhà diễn ra vô cùng chậm, rề rà và có phần lười nhác. Nhiều khán giả cho rằng “chậm mà chắc”, “chậm để tập trung vào tình tiết”, nhưng lại không nhận ra rằng đó là sai lầm đầu tiên của Bắc Kim Thang - phong cách “slow-burn” nửa vời (theo nghĩa đen) gói gọn chỉ trong 90 phút!
90 phút là quá ngắn để Bắc Kim Thang diễn giải câu chuyện chậm rãi và từ tốn.
Một số tựa phim giật gân “tiết tấu chậm” gần đây nhất như Midsommar hay Once Upon a Time in Hollywood đều có thời lượng trung bình là hai tiếng rưỡi, đó là do toàn bộ phim từ đầu chí cuối đều được xử lý kĩ lưỡng, chi tiết. Ngược lại, Bắc Kim Thang chỉ chậm ở nửa đầu, và đó là sự chậm rãi tiêu cực khiến người xem dễ ngán ngẩm. Tác phong, cử chỉ đi đứng của Thiện Tâm có thể “róp rẻng” hơn, còn chậm như trong phim thì thành ra lại “diễn sâu” quá, lại rơi vào vòng tròn “xáo rỗng” của phim kinh dị khi các nhân vật cứ thích mở cửa chậm nhất có thể, hay đứng lù gù nhìn về một hướng vài ba tiếng đồng hồ chỉ để cố gắng câu dẫn sự kịch tính.
Hù dọa bằng âm thanh chói tai - lỗi thời lắm rồi!
Tuy nhiên, bỏ qua “hiệp một” có phần bình lặng thì “hiệp hai” của phim đã khá khẩm hơn, khi dần dần những bí ẩn xoay quanh gia đình Thiện Tâm hé lộ, từ đó dẫn đến một số cái “sai” tiếp theo. Thứ nhất, sự lỗi thời đến từ những chiêu trò hù dọa của phim Việt. Hù dọa (jump scare) không phải là điều sai trái, ngược lại nếu tuyệt vời và sáng tạo như IT hay The Conjuring 2 thì hoàn toàn ổn, thế nhưng các màn “ú òa” trong Bắc Kim Thanglại rất dễ đoán, và như thường lệ là dựa vào âm thanh là chính, còn mặt tạo hình thì đôi khi còn trông khá buồn cười. Nhưng âm thanh cũng không bổ trợ được nhiều cho phim, nhất là trong chất giọng “ma quái” không khác gì đang nói qua micro của Hai Lầm.
Hình ảnh “bù nhìn rơm” Hai Lầm là điểm sáng kinh dị chất lượng duy nhất của phim.
Những nút thắt “cứu cánh” trong vô vọng
Thứ hai, các chi tiết cao trào (plot twist) của Bắc Kim Thangcũng có rất nhiều vấn đề. Nhân vật của NSƯT Phi Điểu có lẽ là cái tên gây hoang mang nhất toàn bộ phim, khi chỉ có một quyết định tiết lộ sự thật cho Thiện Tâm mà cũng “lật” không ngừng. Ngoài ra, việc tiết lộ “plot twist” thông qua lời thoại là một trong những thứ tối kị mà phong trào phim thế giới ngày nay đã tránh xa, giờ lại được áp dụng trong chính một phim kinh dị Việt. May thay, đó chỉ là một trong số các pha tháo gỡ nút thắt của phim, vì sau đó vẫn còn một bí mật thật sự, được xem là “cứu cánh” duy nhất ngăn khán giả bỏ về.
Hai Lầm chính là trung tâm bí ẩn của cả phim.
Sự ra đi của Hai Lầm chính là bài toán lớn nhất mà Thiện Tâm cần tìm lời giải, và đó cũng chính là “chiêu cuối” mà Bắc Kim Thang tung ra. Thế nhưng, cách dẫn dắt vào 10 phút cuối cùng này của phim lại không hề khôn ngoan, mặt khác là một chiêu bài mạo hiểm khi có thể khiến nhiều khán giả phải rời rạp vì không còn chịu nổi một tiến trình câu chuyện quá tẻ nhạt và đơn điệu. Sau khi đối thoại cùng ông nội và tìm ra giấy tờ đất đai, Thiện Tâm đến căn phòng thờ luôn khóa chặt và nhận ra rằng Thiện Tâm thực chất… đã chết (cũng là điều dễ đoán khi thông thường 100% những bí ẩn cất giấu nơi thờ cúng thường là di ảnh của một nhân vật đầy bất ngờ, và anh chàng nam chính này chính là con chốt thí tốt nhất).
Hóa ra, mọi sự việc từ đầu đến giờ đều là do Hai Lầm hoang tưởng gây nên, từ việc cô bé chịu cú sốc từ cài chết của Thiện Tâm, đến mức sinh hoang tưởng xem mình chính là người anh yêu quý đã khuất. Từ đó, “Thiện Tâm mới” trở thành công cụ để ba mẹ và chú Út tận dụng hòng chiếm đoạt giấy tờ nhà đất từ chỗ ông nội. Tưởng chừng đây là “cú sốc đến tận óc” chất lượng, thế nhưng nếu kiên nhẫn ngồi xâu chuỗi lại toàn bộ câu chuyện thì có rất nhiều điểm phi lý hiện ra.
Những điểm phi lý
Đầu tiên, việc Hai Lầm biến thành Thiện Tâm trong bộ tóc giả kì quặc không có nghĩa là có thể qua mặt được vị trưởng bối lớn tuổi nhất trong nhà. Ông nội tuy mù nhưng nhờ “giác quan thứ sáu” mà có thể phân biệt các thành viên, bằng chứng là có thể biết con trai cả đang nắm tay mình chứ không phải đứa cháu đích tôn. Vậy mà “Thiện Tâm giả” liên tục nói chuyện với ông, mà ông cũng không thể nhận ra sau cháu mình lại có giọng nói mềm mại và nữ tính như thế.
Diễn biến tâm lý của nhân vật ông nội được thể hiện khá ít và không hợp lý.
Đành rằng đó chính là kế hoạch của ông nội để Hai Lầm ôm mớ giấy tờ trốn thoát, nhưng luận điểm này cũng không hợp tình hợp lý. Bắc Kim Thang lên án vấn đề “trọng nam khinh nữ” vốn ăn sâu vào gốc rễ văn hóa Á Đông, và trong phim ông nội hoàn toàn không hề thương yêu, thậm chí chán ghét Hai Lầm, thể hiện qua thái độ của ông trong bữa cơm và khi được cháu gái tặng khăn tay. Cho đến khi biến cố ập đến, Hai Lầm bị xem là nguyên nhân gây nên cái chết của đứa cháu đích tôn, theo lý thì ông nội sẽ càng thêm chướng mắt đứa cháu này, thậm chí hận vì khiến cho người thừa kế mà ông cưng nựng nhất ra đi vĩnh viễn.
Do đó, không thể nào chỉ trong vài tháng mà ông nội có thể quay quắt “180 độ yêu”, còn giao hết gia sản cho cô bé và trầm mình trong ngọn lửa tuyệt vọng. Sự hối hận của nhân vật ông nội được xây dựng hời hợt, đứt đoạn khiến cho việc một người gia trưởng vừa tỉnh giấc khỏi cơn mê hậu đột quỵ (dù không biết đó có phải cố ý hay không) lại chịu giao thứ quý giá nhất mà ai ai trong nhà cũng đuổi theo cho cô cháu gái giả làm cháu trai mà mình từng thương yêu vô cùng khó chấp nhận.
Ca khúc dân gian trở thành kẻ dư thừa
Ngoài ra, điều gây thất vọng dễ thấy nhất mà Bắc Kim Thangmang lại cho phần đông người xem đó chính là chính ca khúc thiếu nhi Bắc Kim Thang. Đằng sau bài hát này là cả một câu chuyện gốc rùng rợn đã từng gây xôn xao cộng đồng mạng, thế nhưng điều mỉa mai là trong chính bộ phim cùng tên, giai điệu này lại được lắp vào khá dư thừa, không có nhiều sự gắn kết đối với cốt truyện chính và hoàn toàn có thể thay bằng một bài hát khác.
Nhiều khán giả biện minh rằng anh em Thiện Tâm - Hai Lầm chính là hiện thân của “chú bán dầu” và “chú bán ếch”, và việc người anh chết đuối cũng khắc họa rõ nét cảnh “qua cầu mà té” kia. Nhưng, việc đã có sẵn một câu chuyện như phía trên đã nêu chính là mũi dao chí mạng khiến Bắc Kim Thang trở thành một tựa phim “treo đầu dê bán thịt chó”.
Ca khúc Bắc Kim Thang không có vai trò biểu trưng nào quá lớn lao để đại diện cho bộ phim.
Nhìn chung, Bắc Kim Thanghiện đang là một trường hợp phim kinh dị, hay nói đúng hơn là phim tâm lý kinh dị khá lạ kì của thị trường phim Việt, khi có một người khen lại có một kẻ chê, cũng giống như chiếc đầm “xanh đen” hay “vàng trắng” năm xưa, dù khen hay chê thì ai cũng có cái lý của mình. Thế nhưng, nếu nói đây là một sản phẩm đỉnh cao của phim Việt thì thành ra quá uổng phí, vì từ xưa đã có nhiều tựa phim tròn trịa hơn, và dĩ nhiên không ai muốn thể loại kinh dị Việt chỉ dừng lại ở một vụ án trinh thám nội bộ gia tộc được “dặm thêm” một số cú hù họa lỗi mốt.
Mong rằng khoảng một thập niên sau, thì Bắc Kim Thang sẽ có một phiên bản reboot, và khán giả sẽ chính thức dược diện kiến anh em bán dầu bán ếch thật sự dấn thân vào cơn ác mộng tâm linh thật sự trên màn ảnh rộng.
Xem qua trailer chính thức của Bắc Kim Thang.
Bắc Kim Thang chính thức công chiếu ngày 25/10/2019.
Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/bac-kim-thang-va-nhung-diem-han-che-6323654.html