Bắc Kinh bất ngờ dỡ bỏ 120 biển quảng cáo của Samsung, Hyundai và Kia
Đêm 29/6, chính quyền Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ tất cả biển quảng cáo của Samsung Electronics, Hyundai Motor và Kia Motors dọc đại lộ Chang'an, thành phố Bắc Kinh.
Những biển quảng cáo nói trên thuộc sở hữu của các tập đoàn Hàn Quốc, nhưng đã bị gỡ xuống mà không đưa ra thông báo hay đề nghị bồi thường.
Khoảng 300-400 công nhân cùng cần cẩu và nhiều thiết bị cỡ lớn được huy động để loại bỏ tổng cộng 120 biển quảng cáo tại các trạm dừng xe bus. Những biển quảng cáo này do các công ty Hàn Quốc dựng lên ở phía đông và phía tây đường Chang'an.
Hoạt động dỡ bỏ bắt đầu từ khoảng 22h hôm 29/6 và kéo dài đến sáng sớm hôm sau.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết xây dựng "môi trường kinh doanh công bằng, chính đáng và không phân biệt đối xử", đồng thời yêu cầu Washington "đàm phán dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau".
Tuy nhiên, trong thực tế, Trung Quốc thường đánh giá thấp những hợp đồng với các công ty nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, tờ Chosun Ilbo nhận định.
Vào tháng 7/2018, chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng dỡ bỏ khoảng 70 biển quảng cáo của ba công ty Hàn Quốc tại khu vực trung tâm của đại lộ Chang'an. IMS, cơ quan chức năng của Hàn Quốc, đã ký hợp đồng quản lý các biển quảng cáo này với thành phố Bắc Kinh cho đến năm 2025.
Kể từ lần đầu tiên biển quảng cáo bị dỡ bỏ, IMS yêu cầu bồi thường nhưng không có kết quả. Chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra lời giải thích liệu hoạt động có phải nhằm mục đích cải thiện cảnh quan thành phố hay không.
Những biển quảng cáo của Samsung, Hyundai và Kia được dựng lên kể từ năm 2012, dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Hàn Quốc. IMS thậm chí đã tu sửa chúng với chi phí hàng tỷ won theo yêu cầu của chính quyền thành phố Bắc Kinh vào năm 2015.
Vào thời điểm đó, thành phố đã gia hạn hợp đồng từ cuối năm 2017 kéo dài đến tháng 12/2025. Việc dỡ bỏ các biển này ước tính tiêu tốn của IMS hàng tỷ won.
Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh nhiều lần yêu cầu chính quyền thành phố và Bộ Thương mại Trung Quốc bồi thường nhưng đều bị từ chối, theo nguồn tin từ nhân viên đại sứ quán.