Bắc Kinh dọn đường cho một loạt lãnh đạo mới ở tuổi 40
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn được cho là người đứng sau sự thăng tiến nhanh chóng của các lãnh đạo trẻ ở độ tuổi 40, chuẩn bị cho thế hệ kế nhiệm.
Thường vụ Bộ Chính trị của Trung Quốc đã bổ nhiệm gần 20 cá nhân vào các chức vụ cấp phó ở các địa phương, bao gồm phó thị trưởng Trùng Khánh và phó tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến.
Nhiều người trong số họ trước đây thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng, chuyên giám sát lĩnh vực tài chính và chịu trách nhiệm chống tham nhũng.
The Nikkei Asian Review, các nhà quan sát cho rằng Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, đồng minh thân cận của ông Tập, đứng đằng sau việc bổ nhiệm.
Ông Vương có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và từng ủng hộ ông Tập khi nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng.
Nâng đỡ các lãnh đạo ngành tài chính
Lý Ba, người được thăng chức phó thị trưởng Trùng Khánh vào tháng 9, tốt nghiệp Đại học Nhân dân Trung Quốc, ngôi trường có tiếng đào tạo con em giới tinh hoa Trung Quốc.
Ông Lý tiếp tục học cao học tại Đại học Boston và sau đó lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Stanford và bằng tiến sĩ luật tại Đại học Harvard. Ông từng làm việc cho một công ty luật lớn ở Mỹ.
Tại Trung Quốc, người thu nhận kiến thức và chuyên môn ở nước ngoài rồi trở về quê nhà thường được gọi là "hải quy", hay rùa biển quay trở lại nơi nó được sinh ra để đẻ trứng. Ông Lý là ví dụ điển hình.
Tại cuộc họp cuối tháng 9 của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Quốc tế của thị trưởng Trùng Khánh, ông Lý đã tuyên bố bổ nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp của hơn 30 công ty từ khắp nơi trên thế giới làm cố vấn.
Sau khi trở về Trung Quốc năm 2004, ông Lý xây dựng sự nghiệp của mình tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nơi ông làm việc đến năm 2018.
Vào tháng 9, ông được cử đến Trùng Khánh với cương vị phó thị trưởng để thúc đẩy chương trình kinh tế của Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Trùng Khánh.
Ông Trần thân cận với ông Tập kể từ nhiệm kỳ thứ hai của ông trong chính quyền tỉnh Chiết Giang. Ông được coi là ứng viên tiềm năng để vào Thường vụ Bộ Chính trị.
Lý Ba không phải là giám đốc điều hành ngành tài chính duy nhất được bổ nhiệm vào chức vụ phó thị trưởng.
Quách Ninh Ninh, người trở thành phó tỉnh trưởng tỉnh Phúc Kiến vào tháng 11 năm ngoái, từng là quan chức cấp cao tại Ngân hàng Trung Quốc, một trong bốn ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc.
Sau khi đứng đầu các hoạt động của ngân hàng Hong Kong và Singapore, bà được bổ nhiệm làm phó chủ tịch của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc vào năm 2016.
Được đào tạo tại Đại học Thanh Hoa, trường cũ của ông Tập, bà gặp ông Tập cùng phu nhân khi hai người đến thăm Singapore, nơi bà đang làm việc lúc đó. Bà Quách được kỳ vọng sẽ được thăng chức lên vị trí cao hơn nếu làm tốt vai trò phó tỉnh trưởng.
Tăng cường kiểm soát các địa phương tham nhũng
Ở các tỉnh Tứ Xuyên và Liêu Ninh, nơi tham nhũng liên quan đến các quan chức chính phủ bị phát giác, cũng như ở Trùng Khánh, chính quyền Tập Cận Bình đang tập trung vào việc tăng cường kiểm soát.
Lý Doãn Trạch, cựu phó chủ tịch điều hành cấp cao của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, và Trương Lập Lâm, cựu phó chủ tịch điều hành của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đã được bổ nhiệm làm phó tỉnh trưởng của các tỉnh đó.
Tại Sơn Đông, một tỉnh bị điều tra tham nhũng khác, Lưu Cường, cựu phó chủ tịch điều hành của Ngân hàng Trung Quốc, giữ chức phó tỉnh trưởng.
"Tôi cảm thấy ý định của Vương Kỳ Sơn đằng sau việc bổ nhiệm các quan chức ngành ngân hàng trẻ tuổi cho các chức vụ phó tỉnh trưởng", một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho biết.
Là chuyên gia tài chính, ông Vương từng là phó chủ tịch của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và chủ tịch Ngân hàng Xây dựng vào những năm 1990.
Năm 1998, ông đảm nhiệm chức vụ phó tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông và dẫn đầu các nỗ lực xử lý các tổ chức có vấn đề về tài chính liên kết với chính quyền tỉnh.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trên cương vị phó thủ tướng phụ trách tài chính, ông thúc đẩy việc cắt giảm lãi suất mạnh, dẫn tới sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc. Với nền tảng này, ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực tài chính.
Kể từ khi ông Vương đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương trong vài năm từ năm 2012 và xử lý nhiều quan chức tham nhũng, một số cựu thành viên ủy ban cũng đã được thăng chức lên các chức vụ quan trọng.
Chu Lượng, người từng giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc kể từ năm 2018, gắn bó chặt chẽ với ông Vương. Ông Chu từng là thư ký cho ông Vương khi ông là thị trưởng Bắc Kinh và làm việc dưới quyền ông Vương tại Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.
Lý Tân Nhiên, thành viên ủy ban ngân hàng kể từ năm ngoái, đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng, giành được tín nhiệm của ông Vương.
Thế hệ lãnh đạo kế nhiệm ông Tập
Việc thăng chức của các quan chức trẻ không phải là điều mới mẻ. Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo cuộc cải cách và tự do hóa Trung Quốc, đã thăng chức và bổ nhiệm số lượng lớn quan chức trong độ tuổi 30 vào các vị trí chủ chốt. Nhiều người từng là thành viên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Khắc Cường từng đảm nhận chức vụ quan trọng ở độ tuổi 30 vào những năm 1980. Uông Dương, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, và Phó thủ tướng Hồ Xuân Hoa từng được thăng chức cao trong độ tuổi 30 vào những năm 1990.
Tuy nhiên, trong thời đại của ông Tập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đã mất nhiều ảnh hưởng. Trong số khoảng 20 phó quan chức cấp tỉnh sinh vào những năm 1970, chỉ có hai người là cựu thành viên Đoàn Thanh niên.
Hồ Hải Phong, con trai của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đang đảm nhiệm chức vụ bí thư đảng ủy Lệ Thủy ở tỉnh Chiết Giang.
Người kế nhiệm của ông Tập, người sinh năm 1953, từng được cho là người sinh vào thập niên 1960.
Nếu ông Tập tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba, người khả năng kế nhiệm ông nhiều khả năng là sinh trong thập niên 1970.