Bắc La: Triển vọng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá đặc sảnTin khácQuy định 37 về những điều đảng viên không được làm: Lăng kính để đảng viên tự soi, tự sưảTiêm nhắc lại mũi 3 vắc xin COVID-19: Đảm bảo an toàn, nhanh chóng, hiệu quả

Xã Bắc La, huyện Văn Lãng có nhiều điều kiện tự nhiên phát triển nuôi cá lồng. Thời gian qua, người dân đã tận dụng lợi thế này đầu tư nuôi các loại cá nước ngọt. Đặc biệt, trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá lăng tại địa bàn, bước đầu đem lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng phát triển cá đặc sản ở xã.

Bắc La là xã khó khăn của huyện Văn Lãng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 67,9%, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, dự án Thủy điện Thác Xăng đi vào hoạt động, các hộ dân đã tận dụng tiềm năng mặt nước sẵn có nuôi cá lồng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ban đầu, người dân chủ yếu nuôi theo hình thức quảng canh, tận dụng, chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng, dẫn đến tỷ lệ cá sống thấp, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Người dân xã Bắc La, chăm sóc cá lồng

Người dân xã Bắc La, chăm sóc cá lồng

Từ thực tế đó, tháng 5/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với UBND xã thực hiện mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa giống cá lăng vào nuôi với quy mô 800 m3 lồng với 10 hộ dân tham gia. Theo đó, trung tâm hỗ trợ 70% con giống, 70% thức ăn và thuốc phòng bệnh, các hộ tham gia đối ứng 30% con giống và các vật tư còn lại.

Ông Luân Tuyên Quang, thôn Hát Lốc cho biết: Tháng 5/2021, tôi tham gia mô hình nuôi cá lăng do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Gia đình tôi được hỗ trợ cám, thuốc phòng trị bệnh và 280 con cá lăng giống. Đặc biệt, tôi được cán bộ trung tâm tập huấn từ kỹ thuật làm lồng, vị trí đặt lồng, thả cá giống, chăm sóc cá cho đến hướng dẫn ghi chép quá trình chăn nuôi… Nhờ đó, tỷ lệ cá sống 100%, đàn cá sinh trưởng rất nhanh, sau gần 8 tháng chăm sóc, trọng lượng trung bình đạt 1,3 kg/con, ước tổng sản lượng đạt 3,5 tạ, gia đình xuất bán với giá thành 120.000 đồng/kg, thu nhập trên 40 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi tiếp tục mua giống và dự kiến đầu tư thêm lồng phát triển nuôi cá lăng để tăng thu nhập.

Ông Lý Văn Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Để thực hiện mô hình, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật tới người dân, sau khi cấp cá giống và thức ăn chăn nuôi, trung tâm đã phối hợp với UBND xã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân với các nội dung cụ thể từ quy định về điều kiện cơ sở nuôi lồng bè, vị trí đặt lồng, mật độ và cách đặt lồng, chất lượng nước nơi đặt lồng, kỹ thuật làm lồng, thả cá giống, chăm sóc quản lý, phòng trị bệnh, hướng dẫn ghi chép quá trình nuôi. Qua đó, các hộ tham gia thực hiện mô hình đã biết cách chăm sóc và cách phòng trị một số bệnh thường gặp ở cá, biết cách tính hiệu quả kinh tế và biết cách làm lồng theo đúng quy trình kỹ thuật.

Kết quả, sau gần 8 tháng triển khai mô hình tại các hộ dân, cá sinh trưởng và phát triển tốt, khỏe mạnh, phù hợp với khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng của người dân, cá đạt trọng lượng trung bình 1,3 kg/con, có con cá biệt đạt 1,9 kg, năng suất cá bình quân đạt 12,35 kg/m3 lồng, vượt so với chỉ tiêu đề ra 10 kg/m3 lồng. Thu nhập các hộ dân tham gia mô hình đạt từ 40 triệu đến 100 triệu đồng (tùy theo số lượng lồng cá), thị trường tiêu thụ chủ yếu tại các chợ và một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Từ hiệu quả đó, sau thời gian triển khai mô hình, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tỷ lệ cá sống và sinh trưởng cao. Ông Hứa Văn Đoàn, thôn Nà Xòm, một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết: Cá lăng có đặc điểm ít bị bệnh, lớn rất nhanh, chưa đầy 1 năm trọng lượng đạt từ 1,3 kg/con và xuất bán được, giá thành đạt cao. Đặc biệt, tham gia mô hình, tôi có thêm nhiều kiến thức áp dụng quy trình kỹ thuật vào nuôi cá lăng và các giống cá bản địa khác.

Ông Vy Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Mô hình phát triển nuôi cá lồng bè đang là hướng đi triển vọng để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân. Đặc biệt, từ mô hình trên, người dân, từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang sản xuất hàng hóa có đầu tư thâm canh, đưa các loại cá đặc sản phù hợp với điều kiện trên địa bàn vào sản xuất, tăng thu nhập. Hiện nay, một số người dân nhận thấy triển vọng của mô hình đã mở rộng diện tích lồng bè nuôi cá lăng.

Thời gian tới, UBND xã tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật giúp người dân áp dụng và mở rộng mô hình, hướng tới sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

CÁT TIÊN

PHƯƠNG VY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/475718-bac-la-trien-vong-mo-hinh-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-nuoi-ca-dac-san.html