Bạc Liêu: Đưa hạt muối vươn xa

Làm sao để nâng tầm giá trị hạt muối, giúp diêm dân sống 'khỏe' với nghề luôn là nỗi trăn trở của những người dành tình yêu cho hạt muối Bạc Liêu.

Muốn giữ nghề làm muối rất cần những chính sách, giải pháp, hỗ trợ đầu tư vốn nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối.

Muốn giữ nghề làm muối rất cần những chính sách, giải pháp, hỗ trợ đầu tư vốn nhằm mở rộng diện tích làm muối, nâng cao chất lượng muối.

Thăng trầm nghề muối

Muối Bạc Liêu (còn gọi là muối Ba Thắc) là một thương hiệu muối dân gian nổi tiếng gắn liền với sinh kế của nhiều diêm dân và đã trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển thời Pháp thuộc.

Vụ muối ở Bạc Liêu thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Ngày nay, muối Bạc Liêu tiếp tục được khẳng định thương hiệu và có vị trí nhất định trên thị trường trong nước và quốc tế. Nghề làm muối đòi hỏi diêm dân phải có tính cần cù, chịu khó cùng những tri thức, kinh nghiệm sản xuất gắn với thiên nhiên.

Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Trần Tuấn Kiệt cho biết, huyện Đông Hải là địa phương có diện tích muối lớn nhất tỉnh Bạc Liêu với 1.280ha. Những năm gần đây, giai đoạn đầu năm tình hình thời tiết thường gây nhiều bất lợi cho nghề làm muối. Đặc biệt 2 vụ muối gần đây mưa trái mùa gây thiệt hại lớn cho diêm dân.

"Bao đời nay diêm dân dù có vất vả, thậm chí không ít lần trắng tay nhưng họ vẫn chung tình với muối. Sản xuất muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp phơi nước, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định đến sản lượng, chất lượng muối", ông Kiệt nói.

Nghề làm muối hiện nay dẫu có nhiều đổi thay khi ứng dụng khoa học công nghệ mới kết hợp cơ giới hóa trong sản xuất muối, nhưng những làng nghề muối Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, phương pháp sản xuất độc đáo vốn có.

Với gần 1.500ha, tập trung chủ yếu tại huyện Đông Hải và một phần của huyện Hòa Bình, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, sản lượng hàng năm đạt hơn 15.000 tấn.

Làm gì để nghề muối phát triển bền vững?

Nghề muối không chỉ góp phần đáng kể vào thu nhập của diêm dân mà còn tạo nên nét đặc trưng văn hóa riêng biệt cho Bạc Liêu. Ở các lễ hội về nghề muối, những câu chuyện và kinh nghiệm truyền đời về nghề làm muối đều phản ánh sâu sắc tinh thần và bản sắc văn hóa đặc trưng của con người ở vùng đất này.

Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa trên sân. Việc ứng dụng phương pháp sản xuất này không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà hạt muối cũng đẹp, trắng hơn, bán được với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Thu, diêm dân ngụ xã Điền Hải (huyện Đông Hải) hồ hởi cho biết: "Làm muối truyền thống giá thấp, hiệu quả không cao, bây giờ làm muối trải bạt nhanh kết tinh, thời gian thu hoạch ngắn, giá cao hơn. Tôi trải bạt 4 sân phơi với vốn đầu tư hơn 100 triệu đồng, tầm khoảng 1 năm sẽ lấy lại vốn".

Ông Nguyễn Hồng Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã diêm nghiệp Huy Điền (xã Điền Hải) nhận định, để giảm sức lao động, cần phải đưa khoa học công nghệ và đầu tư cho sản xuất muối trải bạt. Hợp tác xã rất quan tâm tới việc cải tiến công nghệ sản xuất muối để có sản phẩm muối OCOP.

Chủ tịch UBND huyện Đông Hải Trần Tuấn Kiệt chia sẻ, nghề sản xuất muối tại Đông Hải đã tồn tại hơn 100 năm, có nhiều hộ khá và giàu lên từ nghề truyền thống này. Hiện nay địa phương cũng đang hỗ trợ những người yêu nghề, giúp duy trì, phát triển nghề truyền thống này.

Để nghề muối Bạc Liêu phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu, kết hợp phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng là những hướng đi đầy triển vọng.

Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hạ tầng cho đồng muối và quyết tâm giữ cho được nghề muối truyền thống. Điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 – 2030.

Cùng với đầu tư hạ tầng cho sản xuất muối, việc chế biến, xuất khẩu muối cũng được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối. Hiện Bạc Liêu đã có 2 nhà máy chế biến muối với tổng công suất thiết kế trên 36.000 tấn/năm. Trong đó, một số sản phẩm muối chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều chia sẻ: Muối Bạc Liêu có giá 900 đồng/kg, trong khi Singapore đưa công nghệ vào chế biến bán 1,8 triệu đồng/100gr muối làm đẹp. Đây là loại muối đã qua công nghệ chế biến và đưa trí tuệ vào để làm, do đó tỉnh rất cần có thêm các đối tác chế biến sản phẩm như vậy từ muối ở Bạc Liêu để bán ra thế giới, nâng giá trị hạt muối. Để tiến hành, rất cần sự cộng lực của các nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà quản lý và dĩ nhiên bản thân người làm muối đã và luôn sẵn sàng, bởi khát khao làm giàu từ hạt muối luôn cháy bỏng ở những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này.

NGUYÊN DU

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bac-lieu-dua-hat-muoi-vuon-xa-10286131.html