Bạc Liêu: Gần 7.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài
Nắng nóng kéo dài đã làm cho gần 7.000 ha tôm nuôi tại tỉnh Bạc liêu bị thiệt hại nặng, trong đó có gần 2.000 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên.
Nắng nóng kéo dài làm nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng. (Ảnh: Minh Luân)
Nắng nóng kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, mùa khô 2019 - 2020 đến sớm cùng nắng nóng gay gắt kéo dài, kèm theo vài cơn mưa nhỏ đã làm cho độ phèn, mặn trong nước tăng cao khiến nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn bị nhiễm bệnh và chết.
Qua thống kê, toàn tỉnh có gần 7.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại nặng. Trong đó, có gần 2.000 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên. Diện tích nuôi tôm chịu nhiều thiệt hại tập trung chủ yếu ở huyện Phước Long.
Bên cạnh nguyên nhân nắng nóng kéo dài thì hiện nay nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại còn do nguồn nước trên các kênh rạch bị ô nhiễm nặng, khiến cho một số bệnh phát sinh và lây lan nhanh trên tôm.
Như báo Nhà báo & Công luận đã thông tin, nắng nóng không chỉ làm nhiều diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bạc Liêu bị nhiễm bệnh và chết, mà còn làm cho hơn 252 ha lúa bị thiệt hại (chủ yếu là tại thị xã Giá Rai) và khiến cho 125 ha rừng thuộc Vườn chim Bạc Liêu đang trong tình trạng báo động cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Hiện nguồn nước trên kênh rạch vùng Nam Quốc Lộ 1A tại Bạc Liêu cũng đang có độ mặn ở mức 24‰, độ mặn trên sông Cà Mau - Bạc Liêu vùng Bắc Quốc Lộ 1A đã ở mức (24-25) ‰.
Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu cũng đã đề nghị các địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ diễn biến của thời tiết, tích trữ nước ngọt, sử dụng tiết kiệm nước...
Đặc biệt, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 nhằm hạn chế mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.