Bạc Liêu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đề nghị các sở, ngành rà soát các công trình, dự án nếu dự án nào có tỷ lệ giải ngân thấp, không giải ngân được phải điều chuyển vốn sang công trình dự án khác đang cần vốn.
Ngày 18/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình giải ngân tiến độ thực hiện các dự án 7 tháng năm 2023 và lập kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho rằng, mặc dù Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra tại các dự án, công trình, đôn đốc các chủ đầu tư tập trung quyết liệt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ông Lữ Văn Hừng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; năng lực của một số nhà thầu thi công yếu kém; sự phối hợp giữa các chủ đầu tư với các địa phương và nhà thầu thi công chưa chặt chẽ, nhiều lúc còn đùn đẩy trách nhiệm….
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát lại các công trình dự án, nếu dự án nào có tỷ lệ giải ngân thấp, không giải ngân được phải điều chuyển vốn sang công trình dự án khác đang cần nguồn vốn.
Ông Huỳnh Công Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cho biết năm 2023, tỉnh được Chính phủ giao vốn đầu tư công là 3.900.656 triệu đồng. Tính đến ngày 15/8/2023 tỉnh đã giải ngân 1.366.885 triệu đồng, đạt 35,04% so với kế hoạch.
Theo ông Huỳnh Công Quân, tỷ lệ giải ngân thấp ngoài nguyên nhân giải phóng mặt bằng còn chậm còn nhiều dự án chưa hoàn thiện việc lập dự án đầu tư. Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn ODA vừa phải tuân thủ các quy định của nước ngoài vừa phải đảm bảo các thủ tục trong nước, còn vướng mắc về mặt bằng, nhà thầu thi công chưa đạt ... chậm hoàn thành dự án, phải xin gia hạn thời gian thực hiện dự án, hiệp định đã ký.
Riêng đối với vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội và vốn bội chi ngân sách địa phương do mới phân bổ cuối tháng Tư, nên khối lượng thanh toán chưa nhiều.
Với các dự án mua sắm trang thiết bị, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực thẩm định giá và hồ sơ mời thầu.
Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt từ 95% trở lên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị các sở ngành, chủ đầu tư tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt dự án để đủ đều kiện giao vốn và thực hiện các bước tiếp theo.
Đồng thời, thực hiện thanh toán vốn ngay khi các hạng mục có khối lượng nghiệm thu theo quy định; đôn đốc nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu đẩy nhanh tiến độ thi công ở những nơi đã được bàn giao mặt bằng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị rà soát tiến độ thực hiện các dự án, trình điều chỉnh giảm vốn đối với dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân sang những danh mục khác có nhu cầu; dự án nào đã xác định có khả năng giải ngân tốt, đủ thủ tục đầu tư thì cũng cần mạnh dạng đề xuất bổ sung vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần tăng tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.
Cùng với đó, các sở chuyên ngành cần ưu tiên xử lý việc thẩm định dự án, thiết kế-dự toán, kế hoạch đấu thầu, phương án giải phóng mặt bằng, rút ngăn thời gian thực hiện theo quy định, không chờ đến hết thời gian mới trình thẩm định, phê duyệt.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến nguyên nhân giải ngân đạt thấp, trong đó, nguyên nhân lớn nhất là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc; năng lực thi công của một số nhà thầu yếu kém…
Từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời cam kết với Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn kế hoạch được phân bổ./.