Bạc Liêu sắp có nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng 4 tỷ USD
Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được xây dựng trên diện tích 40ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD.
Ngày 21/1, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 3.200MW thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh.
“Dự án sẽ tạo thêm hàng chục tỷ tiền thuế nhà thầu trong thời gian xây dựng và hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, hàng ngàn tỷ tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành”, ông Trung nhấn mạnh.
Tại lễ trao quyết định, đại diện Tập đoàn General Electric cam kết sẽ cung cấp dòng máy tua bin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02 là thế hệ công nghệ tiên tiến nhất đã thương mại hóa hiện nay của hãng, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu sẽ góp phần phát huy tối đa tiềm năng điện gió, điện mặt trời của tỉnh Bạc Liêu và khu vực, duy trì an toàn lưới điện.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đây là dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được tích hợp tổng thể gồm Nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích 40ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình và (4 tổ máy tua bin khí chu trình hỗn hợp 750MW và 1 tổ máy 200MW); Trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100ha mặt biển có công suất lưu trữ từ 150.000 - 174.000m3 khí trự nhiên hóa lỏng LNG; Trạm tái hóa khí và 35km đường ống dẫn khí áp suất cao.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%, dự án trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng ĐBSCL từ trước tới nay.
Nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đến cuối tháng 12/2020) để hoàn thành chuẩn bị đầu tư và 36 tháng để triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG; trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất 750MW) vào cuối năm 2023; tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200MW trước tháng 12/2027 theo quy hoạch điện VII.